Friday, 25 April 2014

Toán học và thi ca mang màu sắc Việt



Copy từ Nguyễn Hoa Lư Blog
 

NHL: Phan Châu Thành vừa viết một bài luận sâu sắc “Người Việt ngộ độc với toán và thơ”[1]. Không hoàn toàn đồng ý với tác giả, nhưng bài viết này có được là nhờ cảm hứng vừa thú vị vừa… xấu hổ của “một người trong cuộc”sau khi đọc bài của Phan Tiên sinh.

1. Có xóm chài kia, gia tài chỉ là những chiếc thuyền buồm, thuyền thúng, quanh năm thập thò nơi cửa biển thả lưới buông câu. Những người ngư phủ đó hiểu gì về những trận cuồng phong, về những cơn bão tố ngoài biển cả, về những hải đội, hải trình, về nghề cướp biển?
Có đám tiều phu nọ, cả đời mon men nơi bìa rừng hay “lom khom dưới núi tiều vài chú” chặt mấy bó củi gánh về phía “lác đác bên sống chợ mấy nhà”. Những người tiều phu đó có trải nghiệm gì về những đỉnh núi bốn mùa mây phủ, những vực sâu đến âm ti địa ngục, về hổ về báo về gỗ lim gỗ táu… Những cái rìu cầm tay làm sao “sánh vai” được những lưỡi cưa máy của lâm tặc, chỉ một đêm “chén gọn” cả khu rừng già mấy trăm năm tuổi?

Tất nhiên, muốn ra biển lớn, cần bắt đầu từ một cửa biển nào đó. Muốn vào núi thẳm rừng già, phải đi qua một mé rừng cây thưa.Thiên tài toán học, như Gauss vĩ đại, cũng bắt đầu từ bài toán tính tổng các số từ 1 đến 100. Mọi thi hào thi bá cũng tập tễnh gieo vần “con bướm vàng, bay nhẹ nhàng/ Trên bờ cỏ/ Em thích quá/ Em đuổi theo” như thần đồng thơ Trần Đăng Khoa.

Tuy vậy, những kiến thức uyên bác về dạng toán chia hết ở lớp 6, những bài toán hình phải vẽ đường phụ ở lớp 9, những phương trình logarit ở lớp 11 hay những chuyên đề về đổi biến trong tính tích phân của chương trình toán 12 chưa phải là diện mạo hoàn chỉnh của toán học. Đó là sự hành xác trong các lò luyện đơn mà nền giáo dục này buộc các học sinh phải trải qua để được vào học ở một ngôi trường tốt hơn, lãnh được một tấm bằng cao hơn.

Nhiều người kiêu hãnh phong tặng dân tộc Việt là dân tộc của thi ca? Chúng tôi cho rằng ở đây có sự nhầm lẫn. Bằng chứng là trẻ con Việt nói chung là hoàn toàn bị dị ứng với thơ ca. Hãy vào một trường cấp 3, nghe học sinh đọc thơ tình của Xuân Diệu, Huy Cận, Xuân Quỳnh… sẽ mất vía vì như nghe đọc ngôn ngữ xa lạ, trúc trắc, đầy khó nhọc. Nghe đọc thơ mà gợi nhớ về hình ảnh của những cỗ xe bò đang nặng nề leo dốc. Nếu có thể, trẻ con rất có khiếu về nhạc chế. Xem cách chúng ngân nga những bài nhạc chế, nhìn nét mặt xuất thần của chúng mới thấy cái tinh thần thi ca đáng thương thế nào.

Cái sự lạm phát thơ, nhập đồng thơ là một bệnh dịch đang lan rộng trong  những kẻ đã trưởng thành, muốn có chút danh để lại với đời. Thơ thần của Giáo sư Tiến sĩ vật lý Hoàng Quang Thuận, thơ tình của nhà tiến sĩ kinh tế Vinalines Dương Chí Dũng, thơ của một số “lãnh tụ tầm tầm” và hàng ngàn các nhà thơ tỉnh lẻ là những thí dụ đẹp cho nhận định trên.

2. Ở nước mình, ba bốn chục năm nay, cái sự “nghiền toán” của lũ học trò và sự “mê thơ” của những người lớn quả có nhiều nét tương đồng đáng để cho hậu thế suy ngẫm. Trong giới hạn đó, chúng tôi muốn góp thêm với Phan Châu Thành vài ý “nho nhỏ xinh xinh” như sau đây.

+Nghiền ngẫm một bài thơ, một tứ thơ và giải một bài toán đều có tác dụng gây nghiện và sự hành hạ như nhau. Làm thơ càng bí, bài toán càng nát óc thì tính gây nghiện càng cao. Nó hút hết tâm trí, hành hạ “nạn nhân” ngay cả trong mơ.

+Giải xong một bài toán, viết xong một tác phẩm thơ, các tác giả đều lâng lâng bềnh bồng cảm giác hạnh phúc. Sự vui sướng có nét cao cả và thoát tục. Cả hai đều tạm “quên” đi một thực tế, những bài toán đó đã giải xong cả ngàn năm trước, và bài thơ viết ra không ai đọc cả.

+Với mỗi cá nhân có đầu óc lành mạnh, muốn vượt lên chính mình, trong những hoàn cảnh đen tối, cách hay nhất là giải toán (đối với học trò) và làm thơ (đối với người lớn). Nó giúp “khổ chủ” quên đi cái thực tại tối tăm mà hướng về một tương lai sáng lạn.

Đó là lý do mà nhiều học trò nghèo ở vùng sâu vùng xa rất giỏi toán vì gia đình quá nghèo. Đói quá, tương lai mù mờ quá, chúng trốn vào “lâu đài toán học”, một công hai việc, vừa quên đi cơn đói, vừa hướng về ngày ra thành phố học đại học.

Đó là lý do mà cụ Hồ thú nhận trong “nhật kí trong tù”, rằng “ Ngâm thơ ta vốn không ham/ Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây”. Trong sự tối tăm đói rét của ngục tù, cụ chọn món làm thơ và ngâm thơ! Nếu lúc đó cụ học một cuốn sách về kinh tế, một phương pháp đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, biết đâu nước Nam này tránh được nhiều đau khổ hơn. Và xã hội đỡ tốn nhiều giấy mực vì những kẻ tụng ca lấy được vì chất thép, chất thơ của cụ.

Ông tổ của CNCS, là Các mác vĩ đại. Trong đời sống thực, Mác rất đau khổ: sống lưu vong, bị đói rét hành hạ, bị các chủ nợ dồn đuổi, bị bệnh tật, các đứa con chết. Những lúc đó, nghe nói Mác đóng cửa ngồi làm toán! Thời tuổi trẻ, quả thực những hình ảnh trên đối với tôi vô cùng lãng mạn.

3. Trẻ con mê toán, dồn hết tinh túy của trí óc để giải những bài toán hóc hiểm. (Thứ toán sơ cấp đã được người Hy Lạp cổ đại giải xong. Lúc đó bên mình vẫn còn là xứ Âu Lạc?). Những huy chương vàng trong các giải toán Quốc tế, những vinh quang mà Ngô Bảo Châu mang lại cho đất nước, và quan trọng nhất, việc đầu tư cho dạy học toán vô cùng rẻ so với các môn tự nhiên khác khiến cho Toán học mãi mãi là điểm sáng trong chiến lược phát triển của ngành giáo dục. Người lớn ghiền thơ, mọi năng lực của trí tuệ danh cho việc vần vò những con chữ, cho ra những tập thơ “không giống ai”. Đó là sản phẩm của một truyền thống trọng sự thanh cao phù phiếm.

Một dân tộc bình tĩnh, thông thái, nhân bản, bền vững hoàn toàn xa lạ với sự lên đồng của toán học trong các trường phổ thông và sự mê muội thơ ca trong các trường đời.

No comments:

Post a Comment