Saturday, 5 April 2014

Chính trị là gì?

Theo Hoàng Nguyên   Sách xưa.net

Politics: chính trị trong ngôn ngữ phương tây ngày nay  bắt nguồn từ chữ Hy Lạp.  Polis = thành quốc. (Thành Quốc Athens, – một thành quốc đã trải qua đủ loại chính thể).

Thuật ngữ  “Chính trị” có lẽ được nhắc đến lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại bởi Aristotle-một triết gia Hi Lạp cổ đại, đặc biệt nó còn là tựa đề cho một tác phẩm nổi tiếng và nhiều ảnh hưởng của ông –cuốn “Politics” (Chính trị luận).

Tuy nhiên từ “Chính trị” và các vấn đề chính trị cơ bản như quyền lực và tổ chức nhà nước đã được tiếp cận bởi các triết gia khác như Khổng Tử, Plato….Dù Aristotle đã khẳng định con người là động vật chính trị, mọi công dân có đạo đức (không phải là  nô lệ hay phụ nữ) đều có quyền tham gia chính trị, nhưng một điểm chung lớn trong lý luận của các  triết gia cổ đại này là quyền lực chính trị tốt nhất nên được nắm giữ bởi những ông vua thông thái!

Vì thế chính trị ở đây có nghĩa là nghệ thuật cai trị  và quản lý thành bang của một nhà lãnh đạo lỗi lạc, xuất chúng hay là khoa học giành và nắm giữ vương quyền trong thiên hạ.

Dưới nhãn quan này đại bộ phận dân chúng bị gạt ra bên lề của các cuộc chơi chính trị. Rồi khi có được quyền lực trong tay những kẻ cầm quyền đã tạo nên bao nhiêu sự tha hóa, mục ruỗng trong bộ máy lãnh đạo và bao nhiêu vấn nạn quốc gia mà hậu quả của tất cả vấn đề này đổ cả lên đầu người dân. Từ đó mặc nhiên chính trị được hiểu như một thứ xấu xa, là đặc quyền của kẻ thống trị, đối kháng với lợi ích và cuộc sống bình dị của người dân.

Khi nền văn minh nhân loại đã bước qua một trang mới hoàn toàn khác, cùng với sự ra đời của nhiều luận thuyết cổ vũ cho chủ nghĩa tự do. Mà một sự cổ vũ to lớn cho lý tưởng này là sự ra đời của một nhà nước hiến pháp đầu tiên trên thế giới-Nhà nước Mỹ khẳng định quyền sống, quyền tự do, an ninh than thể, quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận… .

Từ đây cả thế giới làm quen với một lý thuyết hoàn toàn mới về nguồn gốc và bản chất của Nhà nước, nhà nước không phải là một thế lực thống trị xã hội mà chính là một tổ chức quyền lực công, được người dân trao cho quyền lực để đổi lại họ được sống dưới sự bảo vệ của Nhà nước và một trật tự luật pháp do Nhà nước ban hành (luật pháp không trái với đạo đức và luân lý); và rằng quyền lực chính trị đó không thể là quyền lực tuyệt đối vì “quyền lực có xu hướng tha hóa, quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hóa tuyệt đối” (Lord Acton).

Dưới nhãn quan triết học này, quyền lực chính trị xuất phát từ dân chúng, nó được tạo lập để phục vụ xã hội. Chính trị là nghệ thuật hay khoa học vận hành và quản lý xã hội bằng quyền lực Nhà nước nhưng nó phải bị hạn chế bằng luật pháp và được giám sát bởi người dân thông qua các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, tôn giáo.

Như vậy người dân mọi thành phần có đủ tư cách để tham gia gián tiếp vào nền chính trị quốc gia bằng những hoạt động xã hội cụ thể của mình; quyền tự do báo chí cho phép người dân phát biểu quan điểm của mình đối với tất cả các vấn đề của quốc gia;  hơn nữa mọi công dân đủ tiểu chuẩn pháp quy đều có khả năng tham gia vào hoạt động quản lý Nhà nước một cách trực tiếp. Từ nay chính trị chẳng còn là vương quyền cha truyền con nối, cũng chẳng còn là đặc quyền của những người thuộc tầng lớp quý tộc.

Hiện nay, trên thế giới đã hình thành bốn cách hiểu khác nhau về chính trị:

1) Nghệ thuật của phép cai trị
2) Những công việc của chung
3) Sự thỏa hiệp và đồng thuận
4) Quyền lực và cách phân phối tài nguyên hay lợi ích.

Chính trị theo nghĩa rộng hơn là hoạt động của con người nhằm làm ra, gìn giữ và điều chỉnh những luật lệ chung mà những luật lệ này tác động trực tiếp lên cuộc sống của những người góp phần làm ra, gìn giữ và điều chỉnh những luật lệ chung đó.

Khoa học chính trị (các nghiên cứu về chính trị) là ngành học thuật nghiên cứu về chế độ chính trị, hành vi chính trị; miêu tả và phân tích các hệ thống chính trị và các ứng xử chính trị; nghiên cứu về việc giành quyền lực và sử dụng quyền lực. Các lĩnh vực của khoa học chính trị bao gồm: lý thuyết chính trị, triết học chính trị (tìm kiếm các nhân tố cơ bản cho chính trị), giáo dục công dân, các hệ thống chính trị của các quốc gia, phân tích chính trị, phát triển chính trị, quan hệ quốc tế, chính sách ngoại giao, quân sự và pháp luật.

Chính trị qua các giai đoạn lịch sử

1. Socrates  (Σωκράτης Sōkrátēs) (470 BC – 399 BC ) - Triết gia vĩ đại nhất thời Hy Lạp cổ đại, người được mệnh danh là bậc thầy về truy vấn.

2. Plato (Πλάτων) (428 BC-  348 BC)  với REPUBLIC, Tác phẩm vĩ đại nhất của Plato và của mọi thời đại. “Chúng ta có thể tìm thấy trong REPUBLIC những vấn đề ngày nay chúng ta đang băn khoăn suy nghĩ: thuyết cộng sản và chủ nghĩa xã hội, thuyết nam nữ bình quyền, thuyết hạn chế sinh sản và phương pháp dạy trẻ. Những vấn đề của Nietzche về đạo đức và quý tộc, những vấn đề của Rousseau về trạng thái tự nhiên và tự do giáo dục, những vấn đề của Bergson về đà sống (elan vital) và những vấn đề của Freud về phân tâm học.” 

Trong REPUBLIC, Plato bàn tới vấn đề con người, tổ chức quốc gia, lãnh đạo công quyền
“ Con người thế nào quốc gia thế ấy”
“ Sự sụp đổ sẽ đến khi những con buôn nhờ giàu sang mà trở thành người cai trị”
“ Chính quyền cũng biến hóa như tính tình của con người biến hóa”
“ Quốc gia được cấu tạo bởi các bản tính của những người đang ở trong nó ”
“ Tất cả các quốc gia đều gồm có hai quốc gia, quốc gia của người nghèo và quốc gia của người giàu, hai quốc gia ấy xung đột nhau gay gắt”

3. Học thuyết chính trị của Aristotle
- Xây dựng học thuyết nhà nước lý tưởng trên nền tảng bản chất con người
- Đặt vai trò và lợi ích của nhà nước lên trên quyền lợi  và tầm quan trọng của cá nhân.
- Chính con người cần đến xã hội vì xã hội là một thực tại có giá trị đạo đức, phát sinh từ những yêu cầu tất yếu của nhân loại.
- Quyền công dân dành cho tầng lớp thượng lưu
- Tầng lớp thấp buộc phải lao động không có cơ hội đạt đến hạnh phúc

Nhà nước lý tưởng của Aristotle
Chính thể tốt đẹp   Chính thể thối nát
Quân chủ (Monarchy)   Độc tài (Tyranny)
Quý tộc (Aristocracy)   Đầu sỏ (Oligarchy)
Hợp tiến (Polity)               Dân chủ (Democracy)

4. Triết lý về luật pháp của Thánh Thomas Aquinas
- Thượng đế là nhà luật pháp tối thượng – mọi quyền lực đều xuất phát từ ý Chúa.
- Mọi quy luật cần được nhận thức theo quan điểm triết học hơn là dựa trên quan điểm thần học.
- Tự bảo toàn sinh mạng theo quy luật tự nhiên.
- Luật quốc tế được áp dụng ở các quốc gia cùng nền văn minh.

5. Triết lý chính trị của Thomas Hobbes:  khế ước xã hội
Khế ước xã hội trong triết học và chính trị học là một học thuyết mô tả việc con người cùng thỏa thuận từ bỏ trạng thái tự nhiên để xây dựng cuộc sống cộng đồng. Về mặt luật pháp, khế ước xã hội thể hiện cụ thể là một tờ khế ước, một bản hợp đồng trên đó các thành viên xã hội thống nhất các nguyên tắc để cùng chung sống với nhau. Lý thuyết về khế ước xã hội lần đầu tiên được Thomas Hobbes đưa ra khi ông cho rằng con người ban đầu vốn sống ở trạng thái tự nhiên, trong tình trạng vô chính phủ, khi chưa hề có sự cưỡng bức có tổ chức lên mỗi cá nhân. Con người qua khế ước xã hội từ bỏ những quyền tự do tự nhiên của mình để được hưởng sự an toàn và trật tự của xã hội văn minh.

- Nhu cầu tự bảo tồn.
- Quyền bình đẳng giữa con người.
- Các luật phát sinh từ khế ước xã hội.

6. Chính quyền đại biểu của John Locke
John Locke (1632–1704 Với lý thuyết về quyền tự nhiên và khế ước xã hội là cốt lõi cơ bản trong quan điểm của ông về nhà nước và tổ chức nhà nước.

Ông cũng cho rằng con người là ích kỷ và đầy ham muốn. Chính vì vậy mà ngay từ thời ở trạng thái tự nhiên, khi nhà nước chưa ra đời, con người bên cạnh quyền tự nhiên của mình đă phải tự cho mình quyền xét xử và trừng phạt kẻ khác để duy trì luật của tự nhiên. Chính vì vậy, khi xă hội văn minh ra đời với thể chế nhà nước là hệ quả của khế ước xã hội, đây là một bước tiến văn minh hơn và giúp duy trì luật của tự nhiên thông qua luật lệ của xã hội văn minh. Và ngay cả một nhà nước chuyên chế do vua chúa cai trị cũng vẫn phải thực hiện đúng các chức năng của khế ước xã hội như một chính quyền dân sự nếu không muốn bị diệt vong. Chức năng của một chính quyền dân sự hợp lẽ là phải bảo vệ quyền tự nhiên của con người, tức là quyền của mỗi công dân được sống, được tự do, có sức khỏe và của cải.

Chính những khái niệm về quyền của tự nhiên, khế ước xă hội và nhiều đóng góp khác đă khiến ông trở thành một nhà tư tưởng lớn của phong trào Khai sáng và ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc Cách mạng Mỹ và bản Tuyên ngôn Độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

7. Triết lý dân chủ của Jean Jacques Rousseau
Rousseau có ảnh hưởng lớn đến cuộc Cách mạng Pháp, bản thân ông xem mình là người của phong trào Khai sáng. Ông cũng là một trong những tác giả đầu tiên phê phán thể chế tư hữu và được xem là bậc tiền bối của chủ nghĩa xã hội hiện đại và chủ nghĩa cộng sản khoa học. Ông cũng là người sớm đặt câu hỏi liệu ý chí nguyện vọng của đa số liệu có phải lúc nào cũng đúng không? và mục tiêu của chính quyền theo ông là phải đảm bảo tự do, bình đẳng và công bằng cho tất cả. So với các nhà khai sáng đương thời như Voltaire và Montesquieu, tư tưởng chính trị của Rousseau cấp tiến hơn.

Quan niệm về giáo dục của Rousseau mà trong đó đối tượng của giáo dục chính là những đứa trẻ mạnh khỏe cả về thể chất và tinh thần, ông không xem trọng sự cần thiết của giáo dục qua sách vở, và  nhấn mạnh sự cần thiết phải giáo dục cảm xúc cho trẻ em trước khi giáo dục lý tính đã là tiền đề cho lý thuyết giáo dục hiện đại.

8. Triết lý pháp quyền của Georg Hegel
G.Hêghen (1770-1831) cho rằng, tiến bộ xã hội chính là sự vận động tiến về phía trước của cái kém hoàn thiện đến cái hoàn thiện hơn. Theo ông, cái chưa hoàn thiện mang trong mình mặt đối lập của nó - cái hoàn thiện. Cái hoàn thiện tồn tại ngay trong tiềm năng, trong tính xu hướng của cái chưa hoàn thiện. Mặc dù đề cao tính đặc thù của mỗi thời đại, song Hêgen vẫn khẳng định rằng, mỗi thời đại là một giai đoạn tất yếu trong tiến trình phát triển chung của nhân loại. Tuy vậy, ông lại quá tư biện đến mức coi tiến bộ xã hội chính là quá trình vận động của ý niệm. Đây là điểm mà G.Hêghen thường bị phê phán là không đi xa hơn các lý thuyết thần học trung cổ về sự phát triển xã hội.  G. Hêghen cũng tự mâu thuẫn với chính mình trong khi cho rằng sự phát triển, theo logic nội tại của nó là vô hạn thì ông lại biện minh rằng sự tồn tại của nhà nước quân chủ lập hiến Phổ là đỉnh cao của sự phát triển lịch sử.

9. M.Weber, 1864-1920)   tôn giáo và đạo đức là nhân tố truyền thống đối với sự tiến bộ xã hội.
Trong quan niệm về tiến bộ xã hội của M.Weber  có hai điều đáng chú ý. Một là, ông đã coi lý tính như là nhân tố quy định đối với văn hoá châu âu hiện đại, Hai là, Weber đặc biệt nhấn mạnh nhân tố đạo đức và nhân tố tôn giáo trong sự phát triển của lịch sử nhân loại. - đó chính là  nguồn gốc của những đức tính tốt đẹp của con người;

10. Chủ nghĩa cộng sản của Karl Marx
Cùng với F. Engels, Mác đã xây dựng nên học thuyết vĩ đại của xã hội loài người, học thuyết khoa học về chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa cộng sản mà Karl Marx chủ trương xây dựng chính là xã hội mà trong đó, mọi người sẽ có cuộc sống tự do, hạnh phúc, con người được giải phóng một cách triệt để và được phát triển toàn diện. Theo Marx tiến bộ xã hội mặc dù là xu thế khách quan, song nó lại là một quá trình đầy mâu thuẫn, được thực hiện trong mâu thuẫn và thông qua mâu thuẫn; và vì vậy, trong nhận thức của con người nó lại càng là qúa trình mâu thuẫn. Mác viết: “ở trong thời đại chúng ta, mọi sự vật đều tựa hồ như bao hàm mặt đối lập của nó. Chúng ta thấy rằng những máy móc có một sức mạnh kỳ diệu trong việc giảm bớt lao động của con người và làm cho lao động của con người có kết quả hơn, thì lại đem nạn đói và tình trạng kiệt quệ đến cho con người. Những nguồn của cải mới từ xưa tới nay chưa ai biết, dường như có một sức mạnh thần kỳ nào đó, lại đang biến thành nguồn gốc của sự nghèo khổ. Những thắng lợi của kỹ thuật dường như đã được mua bằng cái giá của sự suy đồi về mặt tinh thần. Dường như loài người càng chinh phục được thiên nhiên nhiều hơn, thì con người lại càng trở thành nô lệ của những người khác hoặc nô lệ cho sự đê tiện của chính mình. Dường như ngay cả đến ánh sáng thuần khiết của khoa học cũng không thể chiếu rọi bằng cách nào khác ngoài cách chiếu rọi vào cái bối cảnh tối tăm của sự ngu dốt. Tất cả những phát minh của chúng ta và tất cả sự tiến bộ của chúng ta tựa hồ như đang dẫn tới chỗ là những lực lượng vật chất thì được ban cho một đời sống tinh thần, còn đời sống của con người vốn đã bị tước mất cái mặt tinh thần rồi thì nay lại bị hạ thấp xuống trình độ những lực lượng vật chất đơn thuần. Mâu thuẫn đối kháng đó giữa một bên là nền công nghiệp hiện đại và khoa học với một bên cảnh bần cùng hiện nay và sự suy đồi, mâu thuẫn đối kháng đó giữa lực lượng sản xuất và quan hệ xã hội trong thời đại chúng ta là một sự thật rõ ràng, không tránh khỏi và không thể chối cãi được. Về phía mình, chúng ta không hiểu nhầm bản chất của cái tinh thần lắt léo luôn luôn thể hiện trong tất cả các mâu thuẫn đó.

Tài liêu tham khảo

 1 Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền của Liên hiệp quốc (10 tháng 12 năm 1948)
 2.Will Durant - The Story of Philosophy, Câu chuyện triết học
 3. C. Mác - nhà tư tưởng vĩ đại nhất của nhân loại trong 1000 năm qua. Thông tin công tác tư tưởng, số 10.1999. tr. 40.
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------


 Theo Wikipedia tiếng Việt

Chính trị là tất cả những hoạt động, những vấn đề gắn với quan hệ giai cấp, dân tộc, quốc gia và các nhóm xã hội xoay quanh một vấn đề trung tâm đó là vấn đề giành, giữ và sử dụng quyền lực nhà nước.

Khái niệm chính trị

Hiện nay, trên thế giới đã hình thành 4 cách hiểu khác nhau về chính trị:
1) nghệ thuật của phép cai trị
2) những công việc của chung
3) sự thỏa hiệp và đồng thuận
4) quyền lực và cách phân phối tài nguyên hay lợi ích (xem Andrew Heywood, Politics (third edition), Palgrave Macmillan, New York, 2007).
Nếu quan niệm rằng chính trị chỉ là những hoạt động xoay quanh vấn đề giành, giữ và sử dụng quyền lực nhà nước thì, theo lý luận của chủ nghĩa Marx, trong xã hội cộng sản tương lai sẽ không có chính trị bởi vì lúc đó nhà nước đã tiêu vong. Nói cách khác, chính trị sẽ dần dần trở nên thừa thãi và mất hẳn trong xã hội lý tưởng của nhân loại - xã hội cộng sản.
Chính trị theo nghĩa rộng hơn là hoạt động của con người nhằm làm ra, gìn giữ và điều chỉnh những luật lệ chung mà những luật lệ này tác động trực tiếp lên cuộc sống của những người góp phần làm ra, gìn giữ và điều chỉnh những luật lệ chung đó. Với cách hiểu như thế này thì dù trong xã hội cộng sản, chính trị vẫn còn tồn tại và vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng đối với từng con người cũng như toàn xã hội. Trong bất kỳ xã hội nào thì cũng cần những luật lệ chung để hoạt động nhịp nhàng và khoa học, tránh tình trạng vô tình hay cố ý xâm phạm quyền lợi, lợi ích, tài sản, sức khỏe hay thậm chí tính mạng của người khác hay của cộng đồng. Một ví dụ đơn giản, xã hội dù có phát triển đến đâu thì cũng cần có luật giao thông để con người có thể lưu thông một cách trật tự và hiệu quả. Hay, con người không thể sống trong một xã hội mà tình trạng an ninh không đảm bảo (cướp bóc, khủng bố chẳng hạn) do thiếu luật lệ. Mặc dù phần lớn xã hội hiện nay trên thế giới không tránh khỏi các hiện tượng cướp bóc và khủng bố nhưng phải thừa nhận rằng pháp luật đã góp phần ngăn chặn đáng kể những hành vi bất lương đó.

Còn Khoa học chính trị (các nghiên cứu về chính trị) là ngành học thuật nghiên cứu về chế độ chính trị, hành vi chính trị; miêu tả và phân tích các hệ thống chính trị và các ứng xử chính trị; nghiên cứu về việc giành quyền lực và sử dụng quyền lực.
Các lĩnh vực của khoa học chính trị bao gồm: lý thuyết chính trị, triết học chính trị (tìm kiếm các nhân tố cơ bản cho chính trị), giáo dục công dân, các hệ thống chính trị của các quốc gia, phân tích chính trị, phát triển chính trị, quan hệ quốc tế, chính sách ngoại giao, quân sự và pháp luật.

Trạng thái tự nhiên

Trong tác phẩm Chính trị, Aristotle đã khẳng định, con người theo bản năng tự nhiên đã có tính chính trị.
Trong ấn phẩm Leviathan vào năm 1651, Thomas Hobbes đã đưa ra một mô hình phát triển sớm của loài người, để hậu thuẫn cho sự tạo ra các chính thể như là bộ máy chính quyền. Hobbes đã mô tả một trạng thái tự nhiên lý tưởng, nơi mỗi người có quyền lợi như nhau với mọi nguồn tài nguyên thiên nhiên và được tự do sử dụng các công cụ để khai thác các nguồn này. Ông khẳng định rằng hiện tượng đó gây ra xung khắc với mọi phía (war of all against all). Hơn nữa, ông ta giải thích rằng loài người sẵn sàng nép mình vào một khế ước xã hội và từ bỏ những quyền tuyệt đối để đổi lấy sự ổn định lâu dài.

Các tư tưởng triết học chính trị

Khổng Tử

Triết gia Khổng Tử (551-471 TCN) là một trong những nhà tư tưởng đầu tiên có cách tiếp cận riêng đến Học thuyết chính trị. Căn bản trong học thuyết của ông là "quân tử (người cầm quyền) nên học tự kỷ luật, nên cai trị người dân của mình bằng chính gương của mình, và nên đối xử với họ bằng tình thương và sự quan tâm."  Niềm tin chính trị của ông gắn chặt với luân thường đạo lýđạo đức cá nhân. Ông cho rằng chỉ những người quân tử liêm khiết và tuân theo đạo của người quân tử thì mới được cầm quyền, và những tư cách của những nhân vật đó phải kiên định với địa vị trong xã hội. Ông ta cũng nói rằng "Triều đại tốt cốt ở vua làm tròn bổn phận của vua, bề tôi làm tròn bổn phận của bề tôi, cha làm tròn bổn phận của cha, và con làm tròn bổn phận của con."

Plato

Triết gia Hy Lạp cổ đại Plato (428-328 TCN) nói trong sách Nền Cộng hòa (The Republic) rằng tất cả những chế độ chính trị theo truyền thống như (dân chủ, quân chủ, chính thể đầu sỏ, chính thể hào hiệp - democracy, monarchy, oligarchy và timarchy) vốn đã đồi bại, tham nhũng và nhà nước nên được điều hành bởi tầng lớp những người cầm quyền cũng là triết gia được giáo dục tốt. Họ được đào tạo từ lúc chào đời và được chọn dựa trên năng lực: "những người có kỹ năng đặc biệt về quan sát tổng quan xã hội."

Aristotle


Trong cuốn Chính trị của mình, triết gia Hy Lạp cổ đại Aristotle (384–322 TCN) quả quyết rằng về bản chất, con người là một động vật chính trị. Ông ta cho rằng luân thường và chính trị có liên kết chặt chẽ với nhau, và một đời sống thật sự đạo đức chỉ có thể có ở những người tham gia vào chính trị.
Giống như Plato, Aristotle thấy rằng có nhiều hình thức nhà nước khác nhau, và ông cho rằng hình thức "đúng" của nhà nước có thể biến thành một hình thức nhà nước "lệch lạc", nơi mà thể chế bị mục nát. Theo ông, chế độ quân chủ, có một người cai trị, sẽ biến thành chuyên chế; chế độ quý tộc, với một nhóm nhỏ người cai trị, sẽ biến thành chính thể đầu sỏ; và xã hội có tổ chức (polity) do nhiều người dân cùng cai trị thì sẽ biến thành chế độ dân chủ. Theo nghĩa này, Aristotle không dùng từ "democracy" như nghĩa hiện nay là nó mang nghĩa rộng, nhưng có nghĩa đen là do demos, hay thường dân cai trị. Một cái nhìn chính xác hơn về dân chủ mà Aristotle đề cập đến chỉ là chính quyền quần chúng (ochlocracy).

Niccolò Machiavelli

Trong sách của mình, cuốn The Prince (Quân vương), nhà lý luận chính trị người Ý ở giai đoạn Phục Hưng ông Niccolò Machiavelli đề nghị một tầm nhìn thế giới về chính trị để miêu tả các phương pháp thực tế cho chế độ chuyên quyền để giành và giữ quyền lực chính trị. Ông thường được xem là người phản đối quan điểm đạo đức truyền thống đối với người cầm quyền: "đối với Machiavelli, không có nền tảng đạo đức mà ở đó phân xử sự khác nhau giữa việc sử dụng quyền lực hợp pháp hay bất hợp pháp."  Thuật ngữ Machiavellian (cũng có nghĩa là xảo quyệt) ra đời, đề cập đến một người thiếu đạo đức dùng các cách mánh khóe để cố thủ quyền hành. Học thuyết của ông đã được các lãnh đạo học tập và thực hành kể cả những lãnh đạo chuyên chế toàn trị như Benito MussoliniAdolf Hitler, những người đã biện hộ cho việc hành động tàn bạo của mình là cho mục đích an toàn quốc gia.
Tuy nhiên, nhiều học giả đã nghi vấn quan điểm này của chủ thuyết Machiavelli, cho rằng "Machiavelli không sáng tạo ra chủ nghĩa Machiavelli", và chưa từng là một 'Machiavellian' quỷ quyệt như ông đã bị gán cho." Thay vào đó, Machiavelli xem trạng thái ổn định của quốc gia là mục tiêu quan trọng hàng đầu, và tranh luận rằng theo truyền thống phẩm chất tốt được xem là khát vọng mang tính đạo đức, như tính độ lượng, đã không được ưa thích đối với người lãnh đạo và có thể dẫn đến việc mất quyền lực chính trị.

John Stuart Mill

Vào thế kỷ 19, John Stuart Mill là người đi tiên phong trong việc dùng khái niệm tự do trong chính trị. Ông ta đã thấy được rằng dân chủ sẽ là sự phát triển chính trị chủ chốt trong thời đại ông ta và, trong cuốn Bàn về tự do (On Liberty) của mình, ông đã cổ vũ cho việc bảo vệ tốt hơn các quyền cá nhân và chống lại ảnh hưởng của nhà nước và sự cầm quyền của đa số. Ông ta cho rằng tự do là quyền quan trọng nhất của loài người. Một nhà bình luận cho rằng cuốn Bàn về tự do như là một lời bảo vệ hùng hồn và mạnh mẽ nhất cho chủ nghĩa tự do chúng ta có."Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do ngôn luận, và tuyên bố rằng chúng ta không thể chắc chắn rằng ý kiến mà chúng ta cố gắng ngắt lời là ý kiến sai trái, và nếu chúng ta chắc chắn như vậy thì việc ngắt lời vẫn là điều sai quấy."

Karl Marx

Karl Marx là một trong số những nhà tư tưởng chính trị có ảnh hưởng trong lịch sử. Học thuyết của ông chỉ trích chủ nghĩa tư bản và ông biện luận rằng trong tương lai sẽ có "sự suy tàn không tránh khỏi của chủ nghĩa tư bản vì các nguyên nhân kinh tế, và được thay thế bởi chủ nghĩa xã hội." Ông ta định nghĩa lịch sử có liên quan đến đấu tranh giai cấp giữa giai cấp tư sản, hay giai cấp sở hữu tư liệu sản xuất, và giai cấp vô sản, hay giai cấp lao động. Cuộc đấu tranh được sự công nghiệp hóa tăng cường.
Nhiều phong trào chính trị sau đó dựa trên tư tưởng của Marx, cho ra các phiên bản rất khác nhau của chủ nghĩa cộng sản; bao gồm Chủ nghĩa Marx-Lenin, Chủ nghĩa Mao, và Chủ nghĩa Marx tự do. Có thể nói rằng người đã người thể hiện học thuyết chủ nghĩa Marx có ảnh hưởng nhất là Lenin, người sáng lập ra Liên Xô. Ông đã sáng tạo học thuyết cách mạng dựa trên nền tảng tư tưởng Marx. Tuy nhiên, những nhà tư tưởng theo Chủ nghĩa Marx tự do đã thách thức sự diễn dịch chủ nghĩa Marx của Lenin; như trường hợp Cornelius Castoriadis, đã miêu tả nhà nước Liên Xô là một hình thức của "chủ nghĩa tư bản quan liêu" hơn là nhà nước cộng sản thực sự.

Các khái niệm

Quyền lực: Max Weber định nghĩa là khả năng áp đặt ý muốn của người này lên một người khác, trong khi Hannah Arendt nói rằng "quyền lực chính trị tương xứng với khả năng của con người không chỉ hành động mà còn hành động trong sự phối hợp"
  • Chính trị theo nghĩa chung nhất là quan hệ giai cấp và đấu tranh giai cấp. Là một khái niệm của thượng tầng kiến trúc."



No comments:

Post a Comment