Lâu lâu lâu lắm rồi mình mới xuống núi viết về một chuyện đang xảy ra
ngoài đời. Ban đầu cũng không định viết, nhưng tự dưng muốn thử tay
xem, liệu việc ở trên núi đã làm đầu óc mình đi về đâu.
Mình may mắn được đọc bản pdf của quyển
sách “Xách ba-lo lên và đi” từ ngày sách còn chưa xuất bản chính thức.
Sau khi đọc một vài chương, mình thấy sách không tốt lắm, hẳn vì Huyền
Chip chưa có kinh nghiệm viết lách. Cùng thể loại du ký, mình có nhiều
tựa sách khác hay hơn rất nhiều. Trong sách cũng miêu tả nhiều việc
Huyền Chip làm mà mình cảm thấy không thể hưởng ứng được, chẳng hạn như
vượt biên không visa, đi lậu vé, v.v…”
Nhưng khi tách quyển sách sang một bên, cá nhân Huyền Chip là một người giỏi. Chuyện ấy không có gì để phủ nhận.
Dường như mọi sự lào xào của dư luận gần
đây hầu như đều đến từ việc người ta không phân biệt rạch ròi giữa “nể
phục” và “thích.” Mình không bàn đến những bạn anh hùng bàn phím quanh
năm ngồi nhà chê bai, nghi kỵ người khác. Mình đang nói đến những con
người có chính kiến, có ít nhiều trải nghiệm. Khổ tâm thay khi những
người đó lại vì một phút choáng váng mà quên rằng “nể phục” không đồng
nghĩa với “thích” hoặc “hưởng ứng”, để rồi quay sang đâm chém nhau tơi
tả. Vì một quyển sách.
Đối với mình, tài năng suy cho cùng cũng
là vật ngoại thân, chỉ hơn nhan sắc hay bạc tiền vài bậc. Học hàm học
vị hay thành tích của ai đó chỉ thay đổi sự nể phục của mình dành cho
họ, chứ không ảnh hưởng đến tình cảm của mình. Có rất nhiều người học
giỏi nhưng tính cách không hay; có rất nhiều người thành tích xuất sắc
nhưng nói chuyện không hợp; ngược lại, có kẻ đầu đường xó chợ, học không
qua cấp I nhưng lại hảo tâm.
Huyền Chip cũng vậy, xuất sắc, tháo vát,
dám nghĩ dám làm, sống hết mình, bây giờ còn được nhận vào Stanford; đó
là mặt mình nể phục. Nhưng quyển sách viết kém, gian dối đôi lần, trả
lời phỏng vấn với thái độ kém cầu thị, viết bài chê bai đàn ông Việt
Nam; đó lại là những khía cạnh mình thấy không hợp. Mà đã thấy không hợp
thì kính nhi viễn chi, tôn trọng những gì người ta làm được, né tránh
những điều mình thấy không hay. Sách của Chip vì thế mà mình chỉ đọc một
vài chương rồi bỏ, không muốn phí thời gian nhiều hơn.
Mình nghĩ rằng nhiều người ở cả hai phe –
ủng hộ và bài xích Huyền Chip – đã đến lúc nhận ra điều này và tôn
trọng những người bất đồng ý kiến. Nhưng điều quan trọng nhất mình muốn
nhắn nhủ đến các bạn trẻ hơn mình là như sau: các bạn hãy tôn trọng bản
thân, trao cho chính mình cơ hội học đúng thứ ở đúng người. Các bạn đi
học thêm, học Toán thì chọn thầy A, học Văn thì chọn cô B; hà cớ gì
trong cuộc sống các bạn lại dồn hết bao nhiêu “môn học” vào đúng một
người, rồi tùy tâm mà phán xét người ta “dạy” giỏi hay dở? Chẳng hạn,
nếu mình thích tinh thần dám nghĩ dám làm và du lịch của Huyền Chip,
mình chỉ học bạn ấy ở mảng ấy thôi. Còn chuyện bạn ấy trốn vé, vượt
biên; cá nhân mình thấy nó không hợp tính thì gạt qua một bên; tuyệt
không tự nhủ đó là “linh động, tháo vát, khôn ngoan”, cũng không vì thế
mà hạ thấp những gì Huyền Chip làm được. Con người Huyền Chip tốt hay
xấu không can hệ gì đến mình. Mình nể cái hay của bạn ấy là tốt cho mình
rồi.
“Sống giữa thời đại người tài không
thiếu như thế này, đã đến lúc các bạn biết phân chia những mảng tình cảm
khác nhau trong tâm trí, và trao đúng tình cảm cho đúng người. Người
giỏi mình nể, người hay mình kính. Nể đúng cái giỏi của người ta, không
cần phải kính luôn cả những điều khác mình thấy chưa hay. Ngược lại,
cũng không cần phải lên án, bài xích những người có thước đo giá trị
khác bạn. Mình được biết nhiều người từng đi năm châu bốn bể, viết văn
hay, đọc xong rất thích, lại ứng xử theo cách mình rất quý. Vậy nên nếu
cần học hỏi, mình sẽ ưu tiên học từ những người đó trước khi học từ
Huyền Chip. Nhưng điều đó không có nghĩa là mình phải bài xích, chê bai
Huyền Chip; cũng không có nghĩa các bạn ngưỡng mộ Chip đã chọn sai người
để học hỏi. Thế gian bao nhiêu người, thảy đều có thể là thầy của mình,
nếu chọn đúng “môn học” cho họ.
Mỗi người mang đến cho bạn một mâm cơm.
Món nào thích thì ăn, món nào không thích thì bỏ (nhường cho người khác
ăn). Đừng lật đổ cả mâm, cũng đừng ráng ních cho căng bụng, tự nhủ món
cá ngon thế này, hẳn nhiên món thịt ngon không kém. Ăn vào no bụng mình,
chứ cái mâm tuyệt không bị tác động gì.
Bài đăng trên Facebook của Rio Lâm, một du học sinh ở Texas, .
No comments:
Post a Comment