Wednesday, 18 June 2014

Hồng lâu mộng , Chương 14



Đại Ngọc chôn hoa khóc hồng tàn phai


Một hôm Bảo Ngọc đang cùng Đại Ngọc trò chuyện ở Tiêu tương quán, Tập Nhân tìm đến nói ông cho gọi Bảo Ngọc . Bảo Ngọc nghe thấy vội vàng mặc quần áo ra khỏi vườn rẽ sang đại đình, nhưng lại nhìn thấy Tiết Bàn đứng đó cười vỗ tay thì mới biết Tiết Bàn dụ cậu ra đây. Bảo Ngọc tức giận quay người định đi. Tiết Bàn liền vội vái chào, xin lỗi, nói : “Ngày mai là sinh nhật tôi, Trình Nhật Hưng bên hàng đồ cổ đưa những đồ ăn hiếm tới, tôi vừa kính biếu mẹ và lão thái thái xong , muốn gọi cậu đến nếm thử.”

Bảo Ngọc và Tiết Bàn uống rượu và nghe hát, chơi vui cả ngày mới quay về vườn. Vừa về đến nhà không lâu, Bảo Thoa vừa cười bước vào nói : “Ăn những thứ tươi ngon của nhà tôi rồi phải không?” a hoàn tới rót trà, mọi người uống trà nói chuyện.

Đại Ngọc thấy Bảo Ngọc bị Giả Chính gọi đi cả ngày, trong lòng lo lắng, sau khi cơm tối xong thì qua cậu ta. Thấy Bảo Thoa đi về phía viện của Bảo Ngọc, bèn dừng ở cầu Thẩm phương một lát ngắm chim nước nghịch nước rồi mới đến Di hồng viện.

Thấy cửa viện đóng kín, Đại Ngọc đập cửa gọi người đến mở, ai ngờ a hoàn Tình Văn và Bích Ngân đương cãi nhau, đang lúc khó chịu, giận đùng đùng nói : “Mọi người ngủ cả rồi, mai hãy đến.” Đại Ngọc cho rằng bọn a đầu không nghe ra càng gọi to : “Là tôi đây, còn không mở cửa ra à?” Tình Văn vẫn không nghe ra, khó chịu nói : “Không cần biết cô là ai, cậu hai dặn rồi, không cho phép bất cứ ai vào.” Đại Ngọc nghe thấy , tức ngây người ra ở bên ngoài, nghe thấy bên trong nhà Bảo Ngọc và Bảo Thoa đang vui vẻ nói cười, nghĩ tới mình thân cô không nơi nương tựa , phận ăn nhờ ở đậu , đứng ở góc tường tổn thương khóc. Đương khóc thì Bảo Ngọc tiễn Bảo Thoa ra , Đại Ngọc trốn vào một chỗ, đợi người đi rồi mới quay về phòng , suốt đêm ngồi ôm gối khóc thầm.

Hôm sau là tiết Mang chủng, tương truyền ngày này các thần hoa thoái vị. Lũ con gái trong vườn Đại quan đã dậy từ sớm, bày đặt lễ vật các loại để tiễn đưa thần hoa. Khắp vườn dải thêu bay phất phới, cành hoa đung đưa, vô cùng náo nhiệt.

Đại Ngọc bởi vì cả đêm mất ngủ , sáng sớm dậy muộn, nghe thấy tiếng các chị em ồn ào ở trong vườn , sợ người ta cười cô lười biếng, liền vội súc miệng rửa mặt đi ra. Ai ngờ vừa mới ra cửa đã gặp Bảo Ngọc đi vào, Đại Ngọc tịnh không để ý đến cậu ta, vừa dặn dò Tử Quyên vừa đi ra ngoài. Bảo Ngọc trong lòng buồn bực không biết đắc tội với cô ở đâu, đành bám theo ra, nhưng không biết Đại Ngọc đi trốn ở đâu, nghĩ bụng đợi mai cô ấy hết giận lại đi hỏi xem sao.

Bảo Ngọc cúi đầu nhìn thấy rất nhiều hoa Phong tiên, Thạch lựu rơi, biết Đại Ngọc giận không tới để nhặt, nên dùng vạt áo đựng cánh hoa, đi về phía mộ hoa nơi đã cùng Đại Ngọc chôn cánh hoa.

Lúc sắp đến mộ hoa, Bảo Ngọc bỗng nghe thấy bên gò núi có người khóc thút thít, vừa khóc vừa kể , nói rất thương tâm. Bảo Ngọc nghĩ thầm : “Cũng không biết là a đầu của phòng nào, chịu khổ bất bình đến đây khóc.” Vừa nghĩ vừa dừng lại lắng nghe, chỉ nghe người ấy nói khổ đau thống thiết, trong lòng thương đau. Nguyên là Đại Ngọc vì chuyện đêm qua bị ở ngoài cửa đóng, thương tâm buồn khổ, mượn chuyện tiễn biệt thần hoa hôm nay , mang hoa tàn cánh rụng đến chôn , khóc lóc kể lể một hồi. Đúng lúc nghe thấy “Nay ta chôn hoa, người cười ta cuồng si, mai người chôn ta nào biết là ai” và “Một sớm xuân tận hồng nhan lão, hoa rơi người mất đều không hay” thì Bảo Ngọc không nén được thương tâm khóc òa lên, hoa rụng trong lòng rơi vãi hết cả ra đất. Đại Ngọc nghe thấy tiếng khóc nghĩ thầm : “Người khác đều nói ta có bệnh si , lẽ nào còn có người si hơn thế?” Nghĩ đến đây, Đại Ngọc ngẩng đầu lên nhìn, thấy là Bảo Ngọc , tức giận đọc thao thao : “Tôi đúng là ai, vốn chỉ là một kẻ tàn nhẫn đoản mệnh...”Vừa nói đến hai từ “đoản mệnh” thì ngậm miệng lại , thờ dài một tiếng, rồi bỏ đi.

Bảo Ngọc định thần , nhìn thấy Đại Ngọc đang đi ở phía trước , liền vội đuổi theo , nói : “Anh biết em không muốn hỏi han anh, lại vào hôm nay, chẳng phải lúc này.” Đại Ngọc nghe thấy quay đầu hỏi : “Vào lúc này là thế nào? Hôm nay là thế nào?” Bảo Ngọc thở dài một tiếng  nói : “Từ lúc cô em tới, tôi đâu có lúc nào không vì cô em mà không nghĩ . Lòng tôi thích thứ gì, nghe thấy cô em nói thích, tôi liền cho em không phải nói đến câu thứ hai ; tôi thích ăn thứ gì, nghe nói cô em cũng thích ăn, tôi đều để nguyên gói không đụng đến mang đến cho em. Bây giờ cô em rộng lượng , đã không đặt tôi vào trong mắt , mấy ngày qua không hỏi han để ý gì đến tôi. Tôi chỉ lãng phí tâm tư, có oan ức cũng chẳng có nơi mà kể.” nói rồi rơi lệ. Đại Ngọc cũng khóc theo, Bảo Ngọc thấy cô không nói lời nào , lại nói : “Nếu anh không tốt, em mắng anh đánh anh đều được, chỉ không nên không hỏi han gì đến anh, khiến anh không hiểu rõ ngọn nguồn , hồn xiêu phách lạc.” Đại Ngọc chất vấn cậu ta, tối hôm qua tại làm sao không để a hoàn ra mở cửa, Bảo Ngọc thề thốt nói không biết việc đó. Đại Ngọc nghĩ có thể a hoàn lười biếng, vì thế tha thứ cho Bảo Ngọc. Hai người biến khóc thành cười, lại hòa thuận.



Hồng lâu mộng , Chương 13


Bày ma pháp, chị em đụng phải quỉ.


Một hôm Bảo Ngọc tham gia tiệc sinh nhật của phu nhân Vương Tử Đằng. Vương phu nhân không đi, Giả Hoàn tới, bèn để nó chép “Kim cương chú” cho mình. Giả Hoàn ngồi trên giường của Vương phu nhân , thùng rỗng kêu to, lớn tiếng bảo a hoàn châm đèn rót trà. Bọn a hoàn đều không hỏi han gì đến nó, chỉ có Thải Hà và nó hợp với nhau nên rót chén trà đưa cho nó.

Được một lát Bảo Ngọc quay về, nằm trong lòng Vương phu nhân làm nũng. Vương phu nhân để Bảo Ngọc nằm trên gối phía sau mình, lại gọi Thải Hà đến vỗ lưng cho cậu để tỉnh rượu. Giả Hoàn từ trước đến giờ vốn ghét Bảo Ngọc, nhìn thấy cậu ta và Thải Hà cười nói càng thêm tức, giả vờ tuột tay, hất cây đèn đầy dầu vào mặt Bảo Ngọc. Bảo Ngọc kêu “ôi trời” một tiếng, người trong khắp phòng đều sợ một phen. Chỉ thấy Bảo Ngọc khắp đầu khắp mặt đầy dầu, trên má bên trái xuất hiện một vết bỏng giộp. Vương phu nhân vừa sợ vừa tức, một mặt ra lệnh cho người rửa mặt cho Bảo Ngọc, một mặt mắng Giả Hoàn. Chị Phượng cũng qua dọn dẹp , nói : “Dì Triệu này cũng nên dạy bảo nó lúc thường.” Vương phu nhân nghe nói, lại gọi dì Triệu tới mắng cho một trận : “Nuôi cái loại hạ lưu dạ tối như thế này, cũng không quản nổi.” Dì Triệu bình thường bụng dạ hẹp hòi nông cạn, với chị Phượng và Bảo Ngọc cực kì khó chịu nhưng không dám biểu lộ ra, hôm nay lại phải chịu tức tối, nhưng đành ngậm đắng nuốt cay.

Hôm sau, mẹ đỡ đầu bán khoán của Bảo Ngọc là Mã đạo bà tới phủ thăm hỏi, thấy Bảo Ngọc bị bỏng, tỏ vẻ nhân từ mà ruột hiểm sâu , nói : “Đây là tai bay vạ gió, chẳng qua là tôi đã cho hoá giải rồi.”,lại mượn cơ hội này lừa gạt không ít tiền dầu đèn. Mã đạo bà ngồi một lát, lại đến chỗ dì Triệu hỏi thăm. Dì Triệu vừa khóc kể khổ, vừa tức tối nói xấu Bảo Ngọc và chị Phượng . Mã đạo bà nói bà ta có cách , dì Triệu nghe thấy trong lòng vui vẻ hân hoan, nói : “Bà có cách nếu linh nghiệm, giết chết được cả hai đứa thì bà muốn gì cũng được.” Vừa nói, vừa cho Mã đạo bà không ít bạc , đồ trang điểm. Mã đạo bà nhận các thứ, rút ra mười con quỷ mặt xanh tóc bạc bằng giấy cắt cùng hai người giấy, đưa cho dì Triệu nói : “Viết tám chữ ngày sinh của hai đứa bọn nó lên hai người giấy này , đặt người giấy và năm con quỉ cùng nhau , mỗi bộ giấu dưới giường chúng nó, đợi tôi ở nhà làm phép , sẽ có kết quả.”

Một hôm Đại Ngọc tới Di hồng viện gặp Bảo Ngọc, thấy Lí Hoàn, chị Phượng , Bảo Thoa đều ở đó. Mọi người đang nói chuyện , dì Triệu và bà Chu tới . Được một lát mọi người cáo từ ra về, Bảo Ngọc bảo Đại Ngọc ở lại , nói có lời muốn nói với cô. Bảo Ngọc kéo tay áo của Đại Ngọc chỉ cười nhưng không nói gì. Bỗng nhiên Bảo Ngọc kêu một tiếng : “Ôi trời, đau đầu quá.” Cậu ta nhảy cao ba bốn thước, nổi loạn hét to, nói năng bậy bạ. Đại Ngọc và bọn a đầu sợ quá vội vàng gọi bọn Giả mẫu. Trong lúc đợi mọi người vội tới, Bảo Ngọc mang đao côn, liều lĩnh làm loạn một trận trong vườn. Mọi người đang lo lắng , thì nhìn thấy chị Phượng tay cầm một con dao thép sáng loáng xông vào vườn, nhìn thấy gì cũng chém. Mọi người càng đâm hoảng , mấy bà có sức lực chạy tới ôm lấy chị Phượng , đoạt con dao, khiêng trở lại phòng.

Mọi người mồm năm miệng mười đề xuất kế hoạch, thử đủ loại phương thuốc y dược , cầu thần xem bói , nhưng đều không hiệu quả.

Mắt nhìn chị Phượng và Bảo Ngọc nằm trên giường , mê man bất tỉnh, ngay cả hơi thở cũng suy nhược . Giả mẫu, Vương phu nhân, Giả Liễn ...đau xót tuyệt vọng . Dì Triệu lại ngấm ngầm vui sướng , giả vờ thiết tha khuyên bảo : “Tôi thấy cậu ấy cũng không sống nổi, chi bằng thay quần áo mới , để cậu ấy đi sớm sủa.” Vừa mới nói xong đã bị Giả mẫu nhổ thẳng vào mặt , mắng cho một trận nên thân.

Giả phủ đang rối, trời sập đất nhào, bỗng nghe văng vẳng truyền lại tiếng mõ, có người tụng : “Nam mô giải oan nghiệt bồ tát. Người trong nhà không khỏe, gặp nguy trúng tà , chúng tôi đều có thể y trị.” Giả mẫu nghe thấy, vội cho người mời vào. Giả Chính thầm nghĩ : “Sân trong sâu thế, âm thanh làm sao lại có thể nghe rõ ràng thế?” , chỉ nhìn thấy một hòa thượng chốc đầu và một đạo sĩ què chân. Đạo sĩ nói : “Nhà ông có bảo ngọc hiếm lạ , lấy ra để chúng tôi niệm thần chú, thì có thể trị bệnh được.” Giả Chính nghe thấy biết ngay là có ý chỉ ngọc của Bảo Ngọc, nên lấy từ trên cổ của Bảo Ngọc đưa cho họ. Hòa thượng đó đỡ lấy, cầm trong lòng bàn tay, thở dài một tiếng rồi nói : “Núi Thanh nghạnh vừa mới xa, chớp mắt đã qua mười ba năm rồi.” Ông ta vừa tụng những lời điên khùng, vừa cọ sát viên ngọc một hồi, đưa cho Giả Chính nói : “Ngọc này đã có linh hồn, không thể ố độc. Hãy để cho hai người bọn họ nghỉ ngơi trong một gian phòng , không được cho những phụ nữ khác xâm phạm vào, ba mươi ba ngày đảm bảo sẽ khỏi bệnh.”

Hai người cũng không mang lễ tạ, quay người bỏ đi. Bọn Giả mẫu làm theo lời hoà thượng , đúng đến tối, chị Phượng , Bảo Ngọc dần dần tỉnh lại , nói muốn ăn các thứ. Sau ba mươi ba ngày , hai người quả nhiên bệnh tình thuyên giảm hẳn.


Tuesday, 17 June 2014

Bàn về có thể hiểu và không thể hiểu trong dịch văn học

Coppy từ Văn Việt

Nguyễn Lê Trung
Nhân đọc một số tác phẩm dịch Emily Dickinson của Trịnh Lữ
hoctiengAnh3


Khi đọc những bài thơ Trịnh Lữ dịch Emily Dickinson, tôi lại nghĩ tới vấn đề mà tôi đã nhiều lần tự đặt ra khi đọc văn học dịch, đặc biệt là những tác phẩm được đánh giá là khó hiểu ngay cả với đồng hương của tác giả: có thể hiểu không thể hiểu trong dịch văn học.

Văn chương là sàn khiêu vũ của ngôn ngữ, thứ vốn liếng, công cụ của tư duy, mà tư duy thì vô cùng phức tạp và chẳng ai giống ai. Văn học dịch lại phải nhào luyện qua ít nhất là hai “cỗ máy tư duy” như thế. Vậy nên, việc đọc một tác phẩm văn học dịch rồi thốt lên “Ôi khó hiểu quá” cũng là chuyện thường tình. Tuy nhiên, giữa việc khó hiểu nhưng có thể hiểu được và việc không tài nào hiểu nổi (thể hiện qua đặc điểm: không thể phân tích, hoặc phân tích một cách vô lý, gượng ép) là hoàn toàn khác nhau.

Khi người dịch đối diện với một tác phẩm văn học nước ngoài thuộc loại khó (hoặc cao cấp, tùy cách gọi), sẽ có mấy trường hợp sau. (Sự phân chia ở đây chỉ mang tính tương đối.) Nếu không hiểu đúng (hoặc tương đối đúng) về tác phẩm, người dịch chắc chắn sẽ dịch sai. 

Dịch sai có hai loại. Loại một là người dịch đành phải dịch từng chữ, trong khi nguyên bản vốn đã rối rắm, đa nghĩa, nhiều ẩn ý. Khi đó kết quả là người đọc không có gì để hiểu và cảm nhận. Loại hai là người dịch biến tấu câu chữ sao cho dễ hiểu, nhằm thể hiện nội dung của tác phẩm theo cách hiểu của mình. Khi đó, người đọc sẽ hiểu sai. 

Cả hai loại này, tôi gọi chung là tác phẩm dịch “không thể hiểu”. Còn nếu nắm được tác phẩm, dịch giả sẽ có hai lựa chọn (vô tình hoặc cố ý) tạm gọi là “dịch thoáng” để độc giả thấy phần nào dễ hiểu và “dịch chặt” để độc giả phải mò mẫm nghiên cứu như người dịch trên con đường chinh phục tác phẩm ấy. Ở lựa chọn thứ hai, độc giả sẽ phải đối diện với sự trừu tượng cao độ của ngôn ngữ, nhưng hoàn toàn khác với cảm giác đứng trước biển chữ mông lung tối nghĩa ở trường hợp dịch giả không hiểu tác phẩm. Tất nhiên, cũng phải nói vui là, khác thế nào thì chỉ… ai thấy khác mới cảm nhận được. Kết quả là độc giả có thể hiểu tác phẩm, dù ít dù nhiều. Cả hai trường hợp này đều là tác phẩm dịch “có thể hiểu”.

Tóm lại, đọc gì đi nữa thì độc giả cũng nhắm tới mục đích đầu tiên là hiểu được và cảm nhận được. Một tác phẩm dịch “không thể hiểu” là một tác phẩm dịch thất bại. Và thực tế, mức độ hiểu tác phẩm của người dịch quyết định mạnh mẽ tới khả năng nhận thức về tác phẩm đó của độc giả. Với dịch thơ, điều này càng thể hiện rõ. Nếu không tường tận về bài thơ, chỉ cần lơi là một chữ hoặc một câu quan trọng, thì mơ ước giúp người đọc cảm thụ một thi phẩm nước ngoài của dịch giả sẽ đi vào ngõ cụt.

Dừng ở đây, tôi trở lại với sáu bài thơ Trịnh Lữ dịch của Emily Dickinson được đăng trên vanviet.info (xem tối 21/4/2014). Tôi sẽ chỉ chọn phân tích một số bài trong chùm để xem độc giả có thể hiểu được hoặc có thể hiểu đúng những tác phẩm dịch như vậy hay không. Tôi sẽ không nói đến cả bài thơ, mà chỉ lựa chọn vài chi tiết, và đó là những chi tiết có tính quyết định tới việc hiểu toàn bộ thi phẩm, chứ tôi không đi vào việc nhặt sạn.

Bài số 1593 tôi sẽ bàn luận xoay quanh câu thơ: Vào những gì có vẻ còn sống – Ngày hôm đó. Nhưng trước hết ta sẽ nói qua về nội dung bài thơ. Đây là một bài thơ có nhiều lớp nghĩa, tả cảnh một cơn bão mùa hè, nói về ngày tận thế. Thi phẩm này hội tụ nhiều đặc điểm của thơ Emily Dickinson, như hình ảnh tự nhiên, sự ảnh hưởng sâu sắc của ngôn ngữ Kinh thánh, cái tứ về những điềm báo chẳng lành. Nhà thơ vừa là người quan sát vừa là nhân vật chính trong câu chuyện gở được kể.

Trở lại câu thơ trên, dịch giả đã dịch câu này nối vào câu liền trước thành: Những dòng Sông ào vào Nhà cửa / Vào những gì có vẻ còn sống – Ngày hôm đó. Có thể diễn giải ra là: Sông ào vào nhà cửa rồi ào luôn cả vào những gì còn sống. Nghe có vẻ dễ hiểu. Nhưng dường như nguyên bản And Rivers where the Houses ran / Those looked that lived – that Day – không đơn giản đến “thô sơ” như thế.
Vậy phải hiểu ra sao về câu thơ này, câu thơ kỳ lạ, nhưng là mấu chốt của việc tiếp nhận cả bài thơ. Tôi đồng tình với những ý kiến cho rằng ý nghĩa ở đây là: Toàn bộ cảnh tượng được miêu tả trước đó về Ngày tận thế đã được nhìn qua lăng kính của những kẻ còn sống vào ngày hôm đó (Those looked that lived – that Day -), hẳn nhiên là có nhà thơ trong số ấy, vì thế bà mới chứng kiến được toàn bộ cảnh tượng.

Ngày tận thế là hình tượng có vị trí quan trọng trong Kinh thánh. Sau ngày tận thế vẫn luôn có kẻ sống sót, thế nên thế giới mới tồn tại qua mọi thăng trầm (đọc những câu thơ cuối bài). Hai câu And Fences fled away / And Rivers where the Houses ran (được dịch thành Rồi những Hàng Rào bỏ chạy / Những dòng Sông ào vào Nhà cửa) cũng được xem là phỏng theo câu Mọi hải đảo biến đi, núi non không còn nữa (And every island fled away, and the mountains were not found) của Sách Khải Huyền (16:20). (Nhân tiện, dịch giả sử dụng từ bỏ chạy là không hợp lý.) Sự dễ hiểu không mang lại nhận thức đúng về tác phẩm thật ra đã xuất hiện ngay từ những câu đầu của bản dịch này. Có cơn Gió như một tiếng Kèn đồng – / Rùng mình qua cỏ / Xanh Buốt cả hơi ấm / Thấu suốt rợn người. Đọc xong, ta thấy dễ hiểu như văn tả cảnh, nhưng lại không chạm được tới nội dung thực sự của nguyên bản.

 Nội dung ở đây là: gió như tiếng kèn, khiến cỏ dựng ngược lên, tạo thành một luồng xanh dữ dội lấn át của cái nóng mùa hè, một điềm báo khủng khiếp ào qua. Còn ngày tận thế trong bản dịch của Trịnh Lữ thì sao mà yếu ớt, mơ hồ khó hiểu.

Bàn về bản dịch Bài số 280, tôi sẽ nói tới khổ thơ:
“Như mọi Tầng Trời đều đã thành một quả Chuông,
Và Hiện hữu, chỉ là một Vành Tai,
Với tôi, cùng Im Lặng, một cuộc chạy Đua lạ lẫm
Tai nạn, cô quả, ngay đây-”
Có ai hiểu/cảm nhận được hoặc phân tích được đoạn thơ này không, hay chỉ cần nói “Emily Dickinson mà!” là xong?

Thực ra, Race không phải là cuộc chạy đua mà là giống, loài. Một chữ sai thôi, nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc hiểu đoạn thơ này và cả bài thơ. Và wrecked cũng không thể là tai nạn (có lẽ nào dịch giả nghĩ chạy đua nên bị tai nạn?), mà phải mang nghĩa đau đớn. “And I, and Silence, some strange Race / Wrecked, solitary, here-”có nghĩa là: Riêng TôiIm lặng là một giống loài khác lạ (chú ý sự đánh đồng TôiIm lặng), đớn đau và cô độc ở đây, nơi mọi tầng trời đều ngập tiếng chuông nguyện và Hiện hữu chỉ là một cái tai nghe âm thanh ấy.

Từ đây nhìn ra cả bài thơ sẽ thấy dịch giả chưa thấy được trình tự diễn biến của bài thơ. Ở đoạn đầu tiên câu That Sense was breaking through- được dịch thành Cảm giác ấy vỡ vụn- thì chưa rõ về sense. Cảm giác ấy là cảm giác nào, e là không hiểu được. Sense ở đây không phải là cảm giác mà là lý trí. Nhà thơ thấy (feel nên là thấy thì đúng hơn là cảm thấy) trong óc mình một đám tang, nhưng rồi tiếng bước chân rậm rịch khiến lý trí của bà (bộ óc đã nói tới ở câu 1, thế nên mới có that sense) bắt đầu không còn sáng tỏ. Tới đoạn thứ hai thì bà nghĩ bà sẽ mụ mẫm. Đoạn thứ ba cho thấy sự vật lộn tìm lại lý trí trọn vẹn, nhưng chẳng ích gì, khi mà tiếng chuông đã vang lên. Đoạn thứ tư được nói tới ở trên là đỉnh điểm của sự thất bại trong cuộc duy trì lý trí, thế nên mới đớn đau và cô độc giữa hiện hữu. Thế rồi ở đoạn kết, lý trí thua cuộc, thi sĩ thấy mình rơi xuống một Thế giới. Ở đây bản dịch lại không ổn với từ nào đó và từ chan chát. Không có nào đó nào cả, vì bà biết đó là Thế giới nào. Và plunge nói tới việc chìm nghỉm, rơi trọn vào, chứ chan chát thì làm sao hiểu được nguyên bản, làm sao thấy được hành trình đánh mất lý trí, mà đây chính là điểm kết tận cùng.

Bài số 79, tôi nhặt ra đoạn:
Tôi mừng vì họ đã tin
Những người tôi sẽ không bao giờ gặp lại
Từ buổi chiều thu đầy quyền phép
Khi tôi bỏ họ nằm lại dưới lòng đất.

Tại sao lại là Những người tôi sẽ không bao giờ gặp lại? Nguyên bản là Whom I have never found thì rõ ràng phải là: những người mà tôi đã không hề gặp, kể từ buổi chiều mà tôi để họ lại với đất (tức là họ chết, họ lên Thiên đàng). Cái sai ngỡ là nhỏ nhưng làm cho người đọc hiểu sai hoặc không thể hiểu tư duy của nhà thơ. Nếu bà nghĩ sẽ không bao giờ gặp lại những người ấy – những người mà bà đã mất, đồng nghĩa với việc sẽ không lên Thiên đàng, thì làm sao có nỗi hoảng hốt, kinh ngạc của toàn bài, làm sao hiểu được câu And yet it will be done ở phía trên. Nhân tiện, tôi nghĩa dịch câu And yet it will be done thành Mà vẫn sẽ phải làm cũng không ổn, giữ nguyên thể bị động sẽ tốt hơn, sẽ thấy được cảm giác không muốn lên Thiên đàng, nhưng buộc phải tuân mệnh tự nhiên. Ngoài ra, ở đoạn thơ này, các từ “quyền phép”, “bỏ” cũng rất vụng về, thiếu tinh tế, như toàn thể bài thơ.

Với Bài 712, tôi sẽ điểm vài chi tiết. Trước hết ta xem lại đoạn thơ này:
Hay đúng hơn là – Mặt trời đã bỏ qua Chúng tôi -
Những Hạt Sương về, rùng mình giá lạnh -
Bởi rất Mong Manh, bộ Lễ Phục của tôi -
Giải Khăn choàng – chỉ là Lưới Nhẹ -

Ở đây, các từ Lễ Phục  Lưới nhẹ cho ta thấy dịch giả hiểu không đúng nội dung. Trong văn cảnh này, Gown là áo liệm, còn Tulle là khăn voan phủ mặt người chết (không phải khăn lưới tiểu thư). Để hiểu lý do, ta sẽ nói về nội dung của cả bài thơ. Bài thơ này có thể xem là tuyệt phẩm của Emily Dickinson, đi vào đề tài bao trùm trong thơ bà là cái chết và sự vĩnh hằng sau cái chết. Bà tưởng tượng ra cảnh mình đã chết bao nhiêu thế kỷ rồi (xem đoạn thơ cuối). Bài thơ tưởng như miêu tả cảnh cỗ xe thần chết lăn bánh, nhưng thật ra đây là cỗ xe tượng trưng của thời gian mãi mãi. Nhân vật “tôi” đã nằm dưới nấm mồ đổ nát từ lâu lắm, trường học hay cánh đồng chính là cảnh biến thiên dâu bể diễn ra ngay trên nấm mồ đó. Thế nên mới có Hay đúng hơn là Đời đi qua tôi. (Lần thứ tư trong chùm 6 bài thơ dịch này, người dịch dùng từ “bỏ” và vẫn không hợp lý, vẫn thiếu tinh tế, giống như các trường hợp trên.) Theo tôi He trong câu này không phải là Mặt trời, mà là đời, cuộc đời, sự sống. Thi sĩ thấy mình đã chết bao năm, và sự sống cứ diễn tiến phía trên mảnh đất phủ che bà. Và hạt sương rơi lên cơ thể người dưới đất mới lạnh lẽo làm sao. Như vậy, vì sự không thấu hiểu mà dù bản dịch không sai nhiều nhưng vẫn rơi vào tình trạng “bất khả tri” do không thể hiểu và phân tích đúng. Một chi tiết ngoài lề, dải khăn mới đúng chứ không phải là giải khăn.

Ngoài ra, bài thơ này còn có nhiều câu rất có vấn đề. Ví dụ như câu Để lên đường Lịch Thiệp như Chàng - dịch câu  For His Civility -. Ở đây có thể diễn giải thế này: “Tôi” đã bỏ lại tất cả vì Thần chết đã lịch sự tới đón đi, chứ Để lên đường Lịch Thiệp như Chàng - thì tối nghĩa quá. Hay như ở đoạn cuối: Kể từ ấy – đã nhiều Thế kỷ – vậy mà như / Ngày đó vẫn dài hơn / Khi tôi ngỡ Cỗ Xe ngựa ấy / Sẽ đằng đẵng miên trường rong ruổi -, thì ý tứ cũng rất mù mờ. Thật ra có thể phân tích nghĩa của đoạn thơ nguyên bản thành thế này: Kể từ đó đã qua bao thế kỷ, nhưng vẫn cảm thấy như ngắn hơn ngày hôm ấy (the Day – có lẽ là ám chỉ ngày chết), cái ngày mà lần đầu tiên tôi ước đoán cỗ xe của Thần chết sẽ đi mãi mãi tới vĩnh hằng. Thế mới thấy được cảm xúc ẩn dưới câu chữ dường như tưng tửng của nhà thơ.

Bản dịch này rất vụng về với những chi tiết gượng gạo khó có thể gọi là thơ như Tôi không thể dừng chân chờ Chết, Nấm Nhà, Sưng lên từ Đất, đằng đẵng miên trường rong ruổi… Nói chung, cả sáu bài thơ dịch này đều cho thấy sự đánh vật khổ sở với câu chữ và sự thiếu chất thơ. Tất nhiên đây là lạm bàn, vì cảm nhận hay dở thì về cơ bản chỉ mang tính cá nhân.

Một góp ý ngoài lề với người dịch, nếu quả thực người dịch độc lập lựa chọn chùm thơ này và vô tình trùng với chùm thơ đã được Aaron Copland lựa chọn phổ nhạc thì nhắc tới điều ấy ở lời bạt là đủ, không cần nhắc lại ở nhan đề mỗi bài thơ khiến người đọc thêm bối rối giữa nhiều bối rối. Tóm lại, tôi sẽ không có kết luận nào, việc hiểu hay không hiểu và mức độ hiểu một tác phẩm văn học, như tôi đã “nói vui” ở trên, chỉ bản thân dịch giả và mỗi độc giả mới có thể xác minh.
 Tác giả gửi Văn Việt.

Monday, 16 June 2014

Dịch thuật

Coppy từ Văn Việt

Trần Trọng Vũ


Các nhà văn, dịch giả kính mến,
Văn Việt vào cuối tháng 4, có in một bài viết của Nguyễn Lê Trung, bàn về công việc dịch thuật, đặc biệt là dịch thơ, nhân Trịnh Lữ công bố bản dịch một chùm thơ của Emily Dickinson. Tuy nhiên, với bài viết của Nguyễn Lê Trung, Văn Việt nhận thấy vấn đề không những chưa khép lại mà dường như mới được mở ra. Đó là:
    1. Dịch văn học nói chung, và dịch thơ nói riêng, điều cốt tử là gì?
    2. Dịch hoàn toàn đúng nghĩa, nhưng không thơ, bạn có chấp nhận điều này không?
    3. Dịch kiểu phóng tác, đi xa ý, nhưng có chất thơ, thì sao?
    4. Nhiều người cho rằng dịch là diệt; khi nào dịch không là diệt?
    5. Câu chuyện dịch để quảng bá văn học Việt ra thế giới hiện đang đến đâu? Điều gì tạo ra thành công, nếu có, và điều gì đem lại thất bại?
    6. Bạn nghĩ sao về quan niệm dịch giả là đồng tác giả?
    7. Bạn suy nghĩ gì vai trò của văn học dịch và thực trạng dịch văn học hiện nay?
    8. Vì sao có rất nhiều dịch giả có tiếng hiện đã và đang gây những scandal trong dịch thuật? Có nguyên nhân cụ thể nào không?
    9. Bạn có thể miêu tả công việc dịch một tác phẩm nào đó của bạn đã đem đến cho bạn nhiều kinh nghiệm nhất? 
Văn Việt


Trước đây, hầu như tất cả những bình luận ở Việt Nam về tiểu thuyết Người dưng (dùng chữ của Dương Tường) đều tập trung vào sự lạ thường và nhàm chán của cuộc sống được kể, ở văn phong lạ lùng và lạnh lùng, v.v. Riêng tôi khi lần đầu tiên đọc nó – một trong những ngày bắt đầu ở Pháp – đã phải thức trắng một đêm, bởi vẻ xa lạ đầy quyến rũ của câu chuyện, cùng sự thân thiết vô cùng của tiếng Pháp trong tiểu thuyết, mà không hiểu vì sao.
Nhiều năm sau, khi tìm kiếm những tài liệu về ngữ pháp tiếng Pháp, tôi bất ngờ hiểu được vì sao cuốn sách này đã ngay lập tức gần gũi với tôi đến như vậy. Người dưng được coi như một cuộc cách mạng trong lịch sử văn học Pháp, bởi vì đây là lần đầu tiên tác giả đã chia động từ không theo cách chia dành riêng cho văn học. Phát hiện trên giải thích toàn bộ tình yêu của tôi với riêng tác phẩm này, nhưng lại khiến tôi băn khoăn nhiều về tất cả các bản dịch Pháp-Việt, bởi sự khác biệt quá lớn giữa hai ngôn ngữ, hai văn hóa.
Cũng cần phải giải thích một chút về tiếng Pháp. Tất cả các động từ trong ngôn ngữ này đều được chia theo rất nhiều thời và cách, tùy theo tình huống và thời điểm của hành động, tùy theo khả năng có thể xảy ra hay không xảy ra, theo một hoặc nhiều chủ ngữ, theo chiều dài thời gian và ngữ cảnh… Mọi nhà văn trước Người dưng khi viết bắt buộc phải hiểu rằng họ đang kể lại một câu chuyện, và do đó mọi động từ đều phải bị đưa về thời quá khứ. Nhưng có một cách chia động từ ở thời quá khứ dành riêng cho văn học (passé simple). Và cũng có một cách chia động từ khác, được coi là nặng nề, thiếu tinh tế, kém văn học, được sử dụng đại trà trong cuộc sống thường nhật (passé composé). Hai hình thức này không bao giờ được phép đi cùng nhau, nguyên tắc này không thay đổi.
Albert Camus là nhà văn đầu tiên đã chọn cách chia động từ thô mộc (passé composé) làm hình thức ngữ pháp duy nhất cho Người dưng của ông. Những động từ của khẩu ngữ này đã đưa tiểu thuyết đến gần với cuộc sống hơn bao giờ hết. Những động từ này do đó không chỉ có nhiệm vụ “viết cái gì”, mà đã thực sự tham gia vào việc “viết như thế nào”.
Kể từ Người dưng các nhà văn Pháp có thêm một hình thức nữa cho các động từ của họ, để chọn một trong hai mà vẫn tôn trọng nguyên tắc ngữ pháp, để không trộn lẫn chúng với nhau. Tiểu thuyết này đã nhiều lần được dịch sang tiếng Việt, nhưng chỉ những ý nghĩa của động từ được chuyển ngữ, còn toàn bộ hình thức của chúng đều bắt buộc bị bỏ lại.

DỊCH ĐỂ HIỂU

Như vậy động từ trong nhiều ngôn ngữ được coi như xương sống của tác phẩm, quyết định cấu trúc và tham gia tích cực vào hình thức của tác phẩm. Động từ thiết lập quan hệ của câu chuyện với người viết, với người đọc, trong thời gian và cả trong không gian. Nhưng ở tiếng Việt vai trò này của động từ hầu như trống vắng. Dịch cấu trúc ngữ pháp của các ngoại ngữ như tiếng Pháp là điều không thể.
Thực ra, “dịch cho đúng” hay “dịch để hiểu” luôn là mối băn khoăn của mọi dịch giả trên thế giới. Trong trường hợp của Người dưng nhiệm vụ của anh ta còn khủng khiếp hơn, vì dường như việc chuyển ngữ này cần đem lại thông tin cho độc giả về sự “hiểu” hơn là “đúng”. Và có vẻ “dịch để hiểu” đòi hỏi dịch giả phải có những phẩm chất khác với người “dịch cho đúng”, để trước hết hiểu được không chỉ nội dung mà cả hình thức của tác phẩm. Những phẩm chất này có thể là sự nhạy cảm đặc biệt của anh ta với nghệ thuật, với công việc làm nghệ thuật, là thị hiếu, là kiến thức. Nếu không, dịch giả sẽ không thể biết rằng dù Người dưng được dịch chính xác đến đâu, toàn bộ cuộc cách tân của những động từ đều sẽ dĩ nhiên biến mất trong bản dịch tiếng Việt.
Tôi không biết phán đoán sau có đúng không: Tôi cho rằng khi dịch giả Dương Tường chọn nhan đề của tiểu thuyết này là Người dưng, thay cho Người xa lạ như đã ghi trong mọi từ điển, ông muốn bù đắp lại sự mất mát quá lớn của việc chuyển ngữ? Có phải ông muốn nhan đề của nó phải báo trước cho độc giả một cú nhảy vĩ đại của hình thức, từ lĩnh vực văn học cao quý, sang bản thân đời sống kém tế nhị? Hình như Người dưng sỗ sàng hơn, hợp với khẩu ngữ hơn còn Người xa lạ lịch thiệp hơn, văn chương hơn?
Tuy nhiên, bản dịch Người dưng đã bị dư luận phê bình tương đối nhiều bởi đã không được “dịch cho đúng”. Nhu cầu “đúng” của đám đông thế là vượt qua rất xa nhu cầu “hiểu”.

SỰ KHÁC BIỆT

Câu hỏi đặt ra mà ít người biết tới: Cần phải xóa đi sự khác biệt giữa hai ngôn ngữ? Hay là sử dụng nó, như một công cụ trong dịch thuật?
Nhận xét này của tôi không biết có chính xác, khi tôi cho rằng những dịch giả chuyên nghiệp có xu hướng xóa đi những đặc thù của ngôn ngữ này để bình thường hóa chúng trong ngôn ngữ kia. Ví dụ, bản dịch tiếng Việt từ một ngoại ngữ phải cực kỳ Việt hóa, đến mức không nhận ra là một bản dịch nữa, được như vậy càng tốt.
Những dịch giả là nghệ sĩ, hoặc nhà văn, nhà thơ, hình như có xu hướng ngược lại. Họ đôi lúc đưa vào bản dịch những cách hành văn và thói quen ngữ pháp ở bản gốc. Ví dụ vị trí của tính từ và danh từ, ví dụ những cách ví von hoặc những âm ngữ. Nghĩa của câu không đổi, nhưng cách hành văn trở nên bất thường và bất ngờ.
Tôi còn nhớ Trần Dần (dưới một bút danh khác) những năm 1970 có dịch cuốn Black Boy của Richard Wright, bản dịch của ông đã bị cực kỳ phê phán trên báo chí. Bởi vì ông đã dịch tên sách là Nhóc đen, cho âm ngữ được gần với nguyên bản. Ban biên tập sửa lại với sự đồng ý của dịch giả, cho êm ả hơn, thành “Chú nhóc đen”, nhưng vẫn chưa đủ. Một nhà lý luận văn học thời ấy trong bài báo của mình, sau khi phê bình, đã sửa lại một lần nữa là Cậu bé da đen. Như vậy nhu cầu “dịch cho đúng” của độc giả Việt Nam mà tôi đã viết ở phần trên thực ra không phải là “dịch cho đúng” với nguyên bản, mà thường xuyên phải “đúng” với thói quen người Việt và ngữ pháp tiếng Việt.
Đến đây, dịch thuật bắt gặp một hiện thực muôn đời của văn học: nếu thói quen của độc giả được chiều chuộng, tác phẩm sẽ được công chúng yêu thương lại.

DỊCH THƠ GIỐNG NHƯ LÀM THƠ
        
Tôi còn nhớ đến bây giờ hơn 30 năm sau, một tạp chí Văn học nước ngoài do Hội Nhà văn xuất bản. Lúc ấy tôi còn thiếu niên, còn chưa biết một câu tiếng Pháp. Tạp chí này chỉ ra được vài số, lưu hành không rộng rãi, trong đó tôi đã tìm thấy bài thơ Dưới cầu Mi-ra-bô của Guillaume Apollinaire (tôi mạn phép phiên âm lại tên chiếc cầu, cho những ai không biết tiếng Pháp). Bài thơ được giới thiệu đồng thời qua hai bản dịch, của Tế Hanh và Xuân Diệu. Lúc ấy tôi đọc đi đọc lại nhiều lần, với rất nhiều hứng thú, bởi vì hai bản dịch tuy của cùng một nguyên bản, nhưng lại cho tôi nhìn thấy rõ hai phong cách, một uyển chuyển và cầu kỳ hơn, một dứt khoát và ngắn gọn hơn. Tôi cũng nhận thấy ở đấy hai nhạc điệu không mấy gần nhau.
Lúc bấy giờ kiến thức văn học của tôi hầu như không có gì, nhưng tôi đặc biệt yêu cả hai bài thơ, sau nhiều lần so sánh cả ý nghĩa lẫn vần điệu của chúng. Tôi đã không hề đặt câu hỏi ai đã dịch đúng, ai đã dịch sai. Câu hỏi nếu có, chính là bài thơ nào hay hơn?
Đến bây giờ, tôi vẫn có cùng một thiên vị cho một trong hai nhà thơ – dịch giả. Cảm nhận ấy không thay đổi. Nhưng câu hỏi đặt ra không còn nguyên vẹn. Bây giờ, tôi sẽ không hỏi bản dịch nào hay hơn, mà sẽ hỏi tôi thích bài thơ nào hơn?
Bây giờ tôi cũng có thể nhận xét một cách tri thức, rằng hai bài thơ này khác chữ nhưng đồng nghĩa. Do vậy, những chữ khác nhau nhưng gần nghĩa với nhau sẽ được sử dụng rất nhiều trong dịch thuật. Nhất là ở tiếng Việt nhịp điệu của câu phụ thuộc quá nhiều vào âm điệu do các con dấu và những chữ thừa mang lại.
Tôi cũng sẽ băn khoăn hơn nữa, vì dường như dịch thơ phải bắt buộc là làm thơ, vì tôi chưa bao giờ đủ tài năng ghép vần mà không gượng ép. Nếu tôi phải dịch một bài thơ, tôi sẽ phải biến nó thành một đoạn văn xuôi. Nhưng hình như các nhà thơ Việt Nam của thế hệ đã qua chú ý hơn đến nhạc điệu của thơ, và làm việc rất nhiều để bắt vần cho thơ. Trong khi đó, các nhà thơ của ngày hôm nay tiến gần đến văn xuôi, nhạc điệu và vần điệu có vẻ không còn là mối quan tâm lớn của họ. Chính vì vậy, nhiều bản dịch thơ nước ngoài ngày nay giống với thể loại văn xuôi hơn, nhưng văn xuôi này luôn luôn được xuống dòng.
Vậy mà, PHÁ VỠ vần điệu và KHÔNG CẦN vần điệu là hai cách làm khác xa nhau vô cùng. Giống như CỐ TÌNH dịch không đúng và VÔ TÌNH dịch không đúng. Giống như nét vẽ xô lệch của một họa sĩ và một người không biết vẽ. Hai nét vẽ ấy đều được gọi là XÔ LỆCH nhưng sự khác nhau lại rất ghê gớm.

DỊCH VÀ SÁNG TẠO

Tôi cho rằng độc giả Việt Nam có một may mắn rất lớn, là có được tương đối nhiều bản dịch văn học do các nhà văn hoặc nhà thơ đảm nhiệm. Những tác giả này có thể đưa vào bản dịch những nhạy cảm đặc biệt của họ với văn học, nỗi đồng cảm cho người sáng tạo, hoặc truyền đạt lại ở đấy sự “hiểu” hình thức của nguyên bản. Ở những xã hội phát triển nhà văn dịch sách hiếm hơn rất nhiều bởi vì đã có sẵn một đội ngũ đông đảo dịch giả chuyên nghiệp. Tuy nhiên đôi khi may mắn ở trên có thể biến thành không may mắn, khi vốn ngoại ngữ của người dịch không chuyên ấy không đủ, khi anh ta không được sống lâu năm ở những đất nước của ngoại ngữ ấy, hoặc khi nguyên bản chỉ là cớ để anh ta thao diễn cảm hứng của mình.
Ở những bản dịch văn học phản ứng của người đọc kém êm ả hơn nơi những bản dịch kỹ thuật. Bởi vì dịch giả văn học bắt buộc phải sử dụng một trong nhiều cách diễn đạt đã có hoặc chưa tồn tại của ngôn ngữ, để tạo được nhạc điệu cho câu văn, mà vẫn trung thành với nghĩa của nó trong nguyên bản. Công việc này do đó chính là sáng tạo và sáng tạo bên trong những khuôn khổ bắt buộc của dịch thuật. Nhưng đã là sáng tạo, chắc chắn sẽ phải làm phiền nhiều ai đó trong số độc giả. Sáng tạo nào chẳng nguy hiểm. Quy luật này không đổi cho mọi lĩnh vực.
Và, nếu như để chơi một bản nhạc có sẵn, bắt buộc người chơi phải biết nhạc lý và sử dụng được nhạc cụ, để chép một khuôn mặt người chép phải biết vẽ và hiểu ngôn ngữ của hội họa. Nếu không các kết quả sẽ chỉ là những đống bùng nhùng của âm thanh và màu sắc. Cũng vậy, để dịch một bài thơ người dịch dĩ nhiên phải có những khả năng nhất định của nhà thơ, để có thể làm thơ, với một số lượng hạn chế của ngôn từ.
Tác giả gửi Văn Việt.