Tuesday, 28 October 2014
Theo nền nếp cũ hay là phá bỏ nó để tiến hoá theo luật lệ mới ?
Đinh gia Trinh(18...-1974)
Theo nền nếp cũ hay là phá hủy nền nếp ấy để tiến hóa theo những luật lệ mới, hòng đạt được những kết quả mới? Xưa nay phái người trọng nền nếp cũ và phái ưa tiến hóa quá khích vẫn xung đột nhau luôn luôn về tư tưởng.
Maurice Barrès, thuộc về phái trên, có lúc đã khuyên người ta chớ nên hy vọng tiến bộ hơn được tổ tiên. Ông viết:
"Người chết nghĩ và nói bởi ta: tất cả dòng con cháu liên tiếp chỉ là một người. Phải, con người ấy, dưới ảnh hưởng của đời sống xung quanh, có thể biểu dương nhiều phiền phức hơn trước, nhưng sự phiền phức ấy không làm phí cái tính chất của y. Ấy là một trật tự cấu trúc mà người ta làm cho hoàn mỹ hơn lên: bao giờ cũng là trật tự cũ. Thể như một ngôi nhà trong đó người ta thêm một ít lối xếp đặt mới: không những cái nhà ấy vẫn đứng lên trên những nền móng xưa, nó còn giữ những viên đá xưa và bao giờ cũng là cái nhà xưa. Kẻ nào đã hiểu những chân lý chắc chắn đó sẽ bỏ cái cao vọng muốn cảm xúc được hơn, dục vọng được hơn các bậc cha mẹ; họ sẽ tự nhủ: "Ta chính là cha mẹ ta đó".
Cũng vấn đề ấy, sau đây là ý kiến của Remy de Gourmont:
"Lẽ tất nhiên là ta không nên nhủ cho người ta cái bổn phận vô ý thức xui họ làm những việc trái với những cái gì ông cha họ đã làm; nhưng nếu ta giảng dẫn cho họ hiểu rằng họ không sao làm hơn được tổ tiên, để họ phải chán nản, thì cũng không hay gì. Đời người còn có thú chi nếu sống chỉ để làm bắt chước hẹp hòi? Vẫn biết rằng nhiều người chẳng làm được điều gì hơn xưa, và họ bắt chước tổ tiên họ còn hơn là họ bắt chước người ngoại quốc. Cử chỉ như tổ tiên ta. Cần phải dành phần cho tinh thần khởi xướng của cá nhân, dù ở trong một đời sống kém hèn nhất.
Không nên để cho sự sùng bái dĩ vãng trở nên một nguyên tắc áp chế, trái ngược lại với những cái gì tự nhiên nhất và có ích nhất trong sự tiến hóa của cuộc sống.
Sự tôn thờ người chết có thật lành mạnh đối với các cá nhân và đối với các dân tộc không? Có lẽ nó lành mạnh thực nếu nó làm tăng thêm nghị lực, nếu như ở dân tộc La Mã, tổ tiên được coi là những vị thần ta không sao có thể gắng tới đứng ngang hàng được, nhưng đức tính của những vị đó ta cần phải bắt chước. Trái lại, nếu sự tôn thờ ấy chỉ tạo nên tinh thần phục tùng, nhẫn nhục, nếu nó dẫn đến sự sợ hãi tất cả cái gì mới mẻ, thì nó có lẽ là một tôn giáo có hại.
Nước Trung Hoa, dưới ảnh hưởng của Khổng Tử, đã bị đầu độc bởi người chết vậy."
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment