Wednesday, 29 October 2014

7000 chữ tham luận để Phát triển tư duy thời nay



 Đạo Trường
hoahongblackrose@yahoo.com  14/05/2011

Nào, chúng ta cùng nhau bàn luận để phát triển tư duy.

Bạn Trần Quang Thạch thân mến, Bạn đã nêu một câu hỏi quan trọng bậc nhất, bắt buộc phải có trước khi bước vào tranh luận: Cái đích của tranh luận là gì? Để rồi trong lúc tranh luận mọi chứng cứ và lý luận phải luôn hướng về cái đích đó.

Đến khi kết thúc tranh luận ta tiếp tục hỏi : Ta đã đến được cái đích đó chưa? Ta đã được lợi ích gì qua việc tranh luận?

Tôi nghĩ mục đích tranh luận của chungta.com hay Nguyễn Hoàng Đức là để góp phần "Khai sáng cá nhân, Khai sáng cộng đồng". Họ đã nhận thức được là dân tộc ta hiện nay cần có cuộc cách mạng về khai sáng, từ đó mới có hy vọng dân tộc Việt Nam được sống trong đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do, dân chủ, giàu mạnh và hạnh phúc. Tôi , với tri thức và kinh nghiệm của mình, hiểu rằng họ có nhận thức hoàn toàn đúng đắn, cực kỳ quan trọng và cần thiết cho dân tộc và đất nước trong bối cảnh hiện nay. Nhiều người không đồng ý, họ cho rằng Việt Nam ta rất chói sáng, rất đáng tự hào cho nên cái chuyện khai sáng đóng tối là không cần thiết (có tối đâu mà đóng?, sáng quá rồi, khai nữa có ích gì?). Hoặc có người lưng chừng thỏa hiệp : có sáng có tối, cho nên Khai sáng thì cứ khai nhưng chưa cần đến từ đao to búa lớn như “Cách mạng”.

Nhiều người đang coi việc nêu ra những thói hư tật xấu, nhược điểm của người Việt là bôi nhọ dân tộc, phản dân tộc.

Cần có cuộc cách mạng Khai Sáng cho người Việt là nhận thức hoàn toàn xác đáng , tôi ủng họ bằng việc tham luận bảo biện hoặc phản biện để nhằm mục đích cùng mọi người phát triển tư duy, nhận thức, tri thức. Đó là một nội dung, một điều kiện, một kỹ thuật then chốt cho quá trình khai sáng.

Khi đi tìm nguyên nhân của tăm tối để xác định mục tiêu cho quá trình khai sáng , tôi thấy rằng cái rào cản, cái xiềng xích cách mạng khai sáng chính là Nho giáo. Nho giáo như chất mực hồng thấm vào hồn dân tộc ta rồi rất nhanh chóng chuyển thành mực đen. Đầu thế kỷ hai mươi, các nhà cách mạng việt nam đã phải chùi rửa chất mực nho giáo đó công phu lắm mà chỉ có phai chút ít. Có nguy cơ đen hơn nữa vì có kẻ rắp tâm mang mực Nho giáo đi sơn phết không chỉ Việt nam ta mà khắp thế giới. TINH THẦN NHO GIÁO – ĐÓ CHÍNH LÀ MỘT MẢNG TỐI CỦA TRÍ TUỆ TRONG THỜI ĐẠI NGÀY NAY CẦN PHẢI KHAI SÁNG.

Vài năm trước đây, chungta.com đã chạm nhẹ vào vấn đề Nho giáo. Tôi cũng có vài ý kiến nhỏ tham luận mang tính gợi ý ( đó cũng là biểu hiện của nhủ Nho trong tôi). Nhưng rõ ràng rằng, việc bàn luận về Nho giáo chỉ thoáng qua, chưa đủ sâu rộng đúng như mức độ nghiêm trọng hay quan trọng của vấn đề, nên việc giải quyết không được triệt để. Tư tưởng bênh vực Nho giáo vẫn còn là đống than hồng âm ỉ, cho đến khi Nguyễn Hoàng Đức thọc cái que cời than vào thì nó bùng lên như chúng ta đã thấy. Tôi cảm ơn anh ấy. Hy vọng lần này chungta.com mở Chuyên đề Đánh giá Nho giáo và mọi người chúng ta tích cực tham gia bàn luận với tinh thần tìm ra sự thật khách quan.

RIÊNG TÔI, XIN ĐƯỢC NHẮC LẠI LẦN NỮA, NHO GIÁO- Ý KIẾN NGUYỄN HOÀNG ĐỨC – Ý KIẾN CÁC BẠN.... CHỈ LÀ CÁI CỚ CỤ THỂ ĐỂ CHÚNG TA TRÌNH BÀY CÁCH HỌC TẬP, SUY NGHĨ, THẬN THỨC, KỸ THUẬT THỂ HIỆN Ý TƯỞNG ( TỔNG HỢP, XÁC ĐỊNH ĐIỀU KIỆN, PHÂN TÍCH, CHỨNG MINH, LÝ LUẬN BẢO BIỆN VÀ PHẢN BIỆN, XÁC ĐỊNH Ý NGHĨA GIÁ TRỊ CỦA VẤN ĐỀ. ). Có nghĩa là mong nhận được sự phê bình của các bạn, mình biết ơn những người chỉ ra những sai lầm của mình. Chúng ta biết rằng con người đau khổ hay chết chóc chỉ vì suy nghĩ và hành động sai lầm chứ không vì đúng đắn. Vì vậy việc tìm ra, để phòng chống sai lầm là việc làm quan trọng bậc nhất xuyên suốt đời người. Với tinh thần ham học cầu tiến, chúng ta cũng không nên coi việc chỉ ra sai lầm của nhau là chỉ trích, bôi xấu, hạ nhục nhau hoặc “ muốn chứng tỏ không ai bằng mình

Nghiên cứu nguyên nhân sự sụp đổ hệ thống kinh tế chính trị Liên xô – Đông Âu ( tôi tránh dùng từ XHCN, vì bản chất của họ hoàn toàn chưa phải là XHCN, việc mạo nhận XHCN của họ làm hoen ố khái niệm XHCN tốt đẹp của Mác) , tôi thấy có một nguyên nhân quan trọng là sai lầm trong chính sách dùng người. Khắp nơi có khẩu hiệu “ muốn xây dựng CNXH phải có con người XHCN” nhưng ...luôn chỉ là khẩu hiệu. Không phải nhận thức về chân giá trị con người của các nhà lãnh đạo chính trị không đúng đắn, mà là nhận thức của cả số đông dân tộc đã sai lầm. Bởi vì Nhà lãnh đạo là phản ánh của số đông nhân dân, như những giọt nước được tạo nên trên đầu con sóng biển khơi. Sai lầm nghiêm trọng trong việc đào tạo nhân tài, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, sử dụng nhân tài, chiêu đãi nhân tài xuất phát sâu xa từ xác định sai lầm chân giá trị con người. Qua vụ việc cụ thể Ngô Bảo Châu, Nguyễn Hoàng Đức đã “túm cổ và bẻ xoay đầu” xã hội hướng nhìn lại vào Chân Giá Trị con người. Cái “ lộng ngôn” của anh là cái lộng ngôn cần thiết và cũng có phần đúng đắn nghiêm túc của nó. Không như người khác lộng ngôn để đề cao mình. Nguyễn Hoàng Đức cho rằng “Ngô Bảo Châu có đẳng cấp một người thầy của cả dân tộc”, Tôi không tự ái, tôi không bực bội, tôi không nổi giận và nhiều giáo sư danh tiếng của VN cũng không. Vậy tại sao có những người lại nổi giận,phản ứng quyết liệt? Có lẽ do chúng ta có khác biệt cơ bản nhận thức chân giá trị con người. Xét một khía cạnh cụ thể nhỏ của chân giá trị con người: bản chất của người thầy là gì.

Đối với chúng tôi, người thầy là người có thể truyền cho, chỉ cho, dạy cho ta một số kiến thức kỹ năng nào đó. Bởi vậy bản thân tôi có thể là thầy cho rất nhiều người, quá khứ - hiện tại – tương lai đã – đang – sẽ chứng minh điều đó. Nhưng Tôi học hỏi được nhiều khía cạnh cuộc sống từ các điều dưỡng, bạn bè, và bệnh nhân của tôi. Đối với tôi họ có lúc đã từng là người thầy của mình và còn nhiều chuyện mà tôi sẽ còn được học hỏi từ họ. Không chỉ trong chuyên môn y khoa, một bác nông dân vẫn có thể là thầy của tôi trong việc trồng trọt, chăn nuôi, cách sống ở miền quê, thiên nhiên....vô số điều tôi có thể học hỏi từ người thầy đó. Các nhà bác học về giáo dục thì xác định, để giảng dạy được cho trẻ con thì nhà giáo phải vươn đến tầm cao của bọn chúng. Các nhà lãnh đạo cách mạng nổi tiếng thì xác định người thầy vĩ đại của họ là nhân dân. Ngô Bảo Châu là một người thầy của dân tộc thì cả dân tộc cũng là người thầy của anh ấy, chuyện bình thường thôi, chẳng có gì phải ầm ĩ cả. Nhưng chúng tôi tin tưởng anh ấy, tôn trọng và trân trọng anh ấy hơn người khác và hơn cả chính mình vì đẳng cấp của anh ấy, chân giá trị của anh ấy đã được chứng nhận trên bình diện quốc tế - loài người. Xem xét các nội dung phát biểu của anh ấy ( kể cả tranh luận với Đại Gia Hà Thành), tôi nghiền ngẫm kỹ không thấy có gì sai cả, tôi thấy Ngô Bảo Châu chắc chắn sẽ không mắc bệnh ngôi sao, anh ấy là một trí thức chân chính.

Tôi thấy các phản đối gay gắt của nhiều bạn xuất phát từ những sai lầm sau:

1/ Nhận thức không đúng về chân giá trị của người thầy, đối với các bạn, muốn làm thầy của dân tộc thì phải siêu hiểu biết siêu đạo đức để mà dạy ai cũng được.

Ở diễn đàn khác còn có tư tưởng thiển cận hơn, chỉ là thầy giáo bình thường tôi, cũng phải luôn giỏi hơn người dân bình thường về mọi mặt. Cái quan niệm người thầy giáo thuộc về “quẻ giếng” đã lạc hậu rất rất nhiều rồi các bạn ạ.Phải có được cái nhìn theo kịp thời đại: thầy giáo phải tích cực học hỏi cũng như tích cực dạy học, học hỏi nhiều điều từ ngay cả học sinh của mình.

2/ Xuất phát từ sự tự ái , ghen tức nhỏ nhen và sự đố kỵ xấu xa: “người đó mà là thầy của ai được, ngay cả tôi cũng chưa chấp nhận hắn là thầy của tôi” và “ Hắn đã từng học chung lớp,chung thế hệ với chúng tôi, tôi từng học giỏi hơn nó, nếu...tôi đã giỏi hơn hắn....Sự tự ái ghen tức và đố kỵ làm người ta chống đối một cách mù quáng, không phủ nhận được về mặt trình độ cụ thể thì quay sang chụp mũ đạo đức trừu tượng: “Anh ta là một thằng con trai Việt nam như những thằng bình thường khác, hơn chút xíu về toán học chứ nhiều mặt khác thì quá ngu, đừng có mà tự kiêu. hoặc : anh ta phát biểu như thế là có ý đồ tham vọng gì đây...”. Trình độ tự ái ghen tức nhỏ nhen và sự đố kỵ xấu xa ở người Việt nam và người Trung Quốc là xuất sắc ngang nhau, đã ngấm vào gen nhờ vào luyện sách của cụ Khổng qua nhiều thế hệ.

3/ Không có tinh thần học tập, thực học. Người có tinh thần học tập luôn chủ động tìm đến và học hỏi những người quanh mình, đặc biệt chú trọng những người đã được chuẩn định. Không có tinh thần học hỏi làm các bạn thấy Ngô Bảo Châu không có gì đáng để cho bạn học tập.

4/ Học tập hời hợt hình thức. Nêu được minh triết của dân tộc “ ăn quả nhớ kẻ trồng cây” “ uống nước nhớ nguồn” nhưng không bao giờ thực hiện được. Thành quả lao động của Ngô Bảo Châu đã không ít thì nhiều đã làm vinh danh hai tiếng Việt Nam, dù muốn hay không muốn, tôi và các bạn đã được hay phải “thơm” lây. Các bạn không thấy được giá trị của thành quả này, không chấp nhận giá trị người trồng, và cũng không thấy được sự liên thông của giá trị lao động với giá trị người thầy. Với tinh thần của Nho giáo ta sẽ không bao giờ cảm nhận được ý nghĩa lớn lao của minh triết “ Lao động là vinh quang

Luận về Anh hùng, Trên đời này không ai là hoàn thiện. Cái nhận thức chỉ được coi anh hùng một khi con người hoàn thiện là nhận thức sai lầm và phản động. Cái nhận thức đó che dấu cái ghen tỵ nhỏ nhen luôn muốn phủ nhận tính anh hùng của người khác – luôn mong người khác hèn như mình,và là cái ngụy biện cho sự hèn yếu hết thuốc chữa của mình. Trần Bình Trọng có phải là người Anh hùng hay không? Trần Bình Trọng là người anh hùng của Việt nam và của cả nhân loại bởi vì đã sẵn sàng hy sinh cái tôi – cái riêng tư cụ thể của mình cho mọi người -tổng thể tổng quát. Trần Bình Trọng có thói hư tật xấu không? Ai mà biết được, bởi vì đâu có ai đề cập đến chuyện đó để mà đi bới lông tìm vết. Nhưng học tập lý luận khoa học và triết học cùng với trải nghiệm thực tế đời mình , tôi hiểu rằng Trần Bình Trọng chắc chắn có thói hư tật xấu, nhiều là đằng khác trong vô số quan hệ đời người: Mình với Cha mẹ, thầy cô, bạn hữu, bề trên, bề dưới, mình với chính mình, với môi trường...v.v.. Kết thúc một Trần Bình Trọng bình thường, là sự kết thúc đầy đủ ưu và khuyết bằng sự hy sinh cái nhỏ bé cho cái lớn lao vĩ đại cho ra cái quả tối thượng sống nghìn năm: một Anh hùng. Muốn kiếm một người toàn bích để suy tôn anh hùng, bạn hãy đi ra khỏi cái vũ trụ này mà tìm kiếm.

Xét trên bình diện quốc gia và nhà nước cũng vậy, không bao giờ có một quốc gia hay một nhà nước hoàn thiện. Chỉ có quốc gia này hay nhà nước nọ tốt hơn quốc gia kia hay nhà nước đó mà thôi. Đi từ Á sang Âu, sang Phi, Sang Mỹ. Tôi hiểu rằng nước Mỹ không và không bao giờ là một thiên đàng, nhưng là một nước có nhiều điều tốt đẹp hơn các quốc gia khác cho chúng ta học tập. Tổ chức nước Mỹ, Dân trí Mỹ, đời sống vật chất nước Mỹ hiện nay không biết bao giờ người Việt mới đạt đến đây? Và lúc ta đạt đến thì người ta lại đã đến đâu rồi? Cụ rùa cứ chạy riết sau một con cáo láu lỉnh và chăm chỉ.

Các bạn hiểu sai tệ hại câu minh triết “ ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “uống nước nhớ nguồn”. Thầy dạy học lớp một của tôi chỉ biết viết chữ ( và viết rất đẹp), toán thì chỉ biết cộng trừ nhân chia đơn giản. Thế nhưng, từ khi học trung học cho đến khi tôi ra làm bác sĩ, ngày mùng ba tết nào cũng đến thăm thầy. Sinh nhật nào của thầy cô chúng tôi cũng nhớ gửi bông và thiệp chúc mừng. Hiện tại ngày giỗ thầy cô chúng tôi vẫn nhớ. Tôi tin chắc rằng chúng tôi biết ơn thầy cô của mình sâu sắc hơn rất rất nhiều bạn trẻ hiện nay, điều này là do Phật học và khoa học tạo nên chứ không phải Nho giáo. Thế nhưng chúng tôi không bao giờ sử dụng cái lối tư duy và nhiều tri thức sống của thầy cả .Bởi vì tư duy, tri thức sống của thầy thời xưa không thể áp dụng trong hoạt động sống và lao động của một bác sĩ hiện tại. Chúng tôi cũng chỉ biết ơn người đã dạy chúng tôi và chỉ nhớ như kỷ niệm chứ không nhớ ơn cái công cụ mà thầy đã sử dụng là cái bảng và viên phấn. Chúng tôi “ăn quả nhớ ơn người trồng” chứ không “ăn quả nhớ ơn dụng cụ hoặc ăn quả nhớ ơn quả”.

Nho giáo cũng vậy, đó là học thuyết có ý nghĩa như kim chỉ nam ( là phương tiện là công cụ). Khi tôi dùng công cụ đó có lợi cho tôi, tôi nhớ ơn Cụ Khổng. Khi tôi thấy công cụ đó lạc hậu rồi, tôi bỏ không dùng nữa không bao giờ có nghĩa tôi quên ơn cụ Khổng. Khi tôi phê phán công cụ không hữu ích, chất trong hành trang tăng gánh nặng làm người mang gục ngã trên đường đời, nên quẳng đi, cũng hoàn toàn không phải tôi phủ nhận công lao của cụ Khổng. Cụ Khổng trồng cây vú sữa cạnh nhà tôi từ thời ông tổ nhà tôi, nhiều thế hệ đã ăn trái từ cây đó và họ đã nhớ ơn cụ Khổng hay không là chuyện của họ, rất rõ ràng sòng phẳng. Nhưng đến thế hệ cha mẹ tôi thì cây quá già hết ra trái, chẳng được ăn mà cứ phải gò lưng quét lá suốt. Rễ cây đâm vào nhà làm nghiêng tường nứt vách. Bố mẹ tôi có phải mang ơn cụ Khổng không? Đến thế hệ tôi, cây vú sữa đã quá già nghiêng sắp đổ sập lên căn nhà nhỏ, mọi người sẽ chết thảm vì nó. Bởi vậy tôi cưa cắt béng nó đi, như thế tôi đúng hay sai? Tôi không tôn trọng cụ Khổng ở điểm nào? Sự việc tồi tệ hơn ở nhà thằng bạn tôi. Nó phát hiện ra cụ Khổng muốn trồng bụi hoa mà không hiểu sao mọc lên lại là bụi gai Nho giáo chắn ngang cửa nhà dòng dõi sĩ phu của nó, nhiều đời không bứng đi được cứ phải đi vòng qua rất bất tiện và bị gai đâm khổ sở nữa. Đến đời nó, bụi gai to tổ chảng chắn lối đi làm nó không thể vào ra . Nó điên tiết và quyết phá bụi gai cho bằng được. Như vậy cụ Khổng đáng được dòng họ nhà nó nhớ ơn hay đáng trách?

Nho giáo là công cụ. Như một con dao, có thể chặt xương chém thịt, đốn gỗ làm nhà nhưng người ta không dùng vào việc đó, chỉ dùng để chém giết nhau. Té ra khi nhìn kỹ lại đó là một thanh mã tấu, rất nguy hiểm khi ta tàng trữ nó trong nhà. Nhiều người ngụy biện , như vậy lỗi đâu ở cây mã tấu mà là lỗi ở người sử dụng . Như vậy ta bỏ cây mã tấu đi là không công bằng cho cây mã tấu, và là coi thường, vô ơn với người làm ra mã tấu. Nhiều bạn không tư duy ngược lại rằng Nếu không có người làm (cụ Khổng) thì đâu có mã tấu ( Nho giáo) và nhà bạn ( Xã hội, đất nước) đâu có trang bị cái của nợ chết người ấy. Đời đâu phải chỉ có duy nhất cây mã tấu rỉ xét của cụ khổng, nên nếu dẹp cây mã tấu đi thì trong nhà sẽ không có dao. Nhiều bộ dao làm bếp, gọt trái cây, tỉa bông...của nhân loại làm bằng thép không rỉ, sắc bén, an toàn và hiệu quả, ngu gì mà ta không sử dụng? Cũng rất ngớ ngẩn khi ráng tận dụng cái chuôi của cây mã tấu lắp vào chuôi dao làm bếp. Thời nay cái gì cũng có hệ thống đồng bộ, có logic rõ ràng chứ không thể râu ông này cắm cằm bà kia được. Thủ trong nhà một cây mã tấu để phòng thân là việc làm ngu xuẩn, treo cây mã tấu trang trí trong phòng khách là cách giải trí nguy hiểm.

Nhiều bạn chất vấn: nếu đòi dẹp bỏ Nho giáo thì có phải dẹp bỏ Nhân , Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, Công, Dung Ngôn Hạnh hay không? Câu trả lời là dẹp chứ, dẹp hết, dẹp tận gốc. Các bạn hỏi tiếp : vậy con người không còn Ngũ Thường và Tứ Đức là con người như thế nào? Câu trả lời: còn những cái khác tốt hơn tỷ lần. Ví dụ, không còn Nhân để mà có tình yêu thương đúng đắn , tình người trong sáng, tính nhân văn chân chính. Không còn Nghĩa để mà con người có được sự cư xử với nhau thắm thiết, chân thành, có giáo dục có hiểu biết......không còn Công để mà người phụ nữ có hành động khéo léo, chính xác, sáng tạo và có hiệu quả. Không còn Dung để người phụ nữ có thân thể đẹp, có duyên, thể hiện một con người đẹp thông minh đẹp bản lĩnh tự tin và một cơ thể khỏe mạnh....nói tóm lại, dẹp Ngũ Thường Tứ Đức đi để có con người mới với thể xác và tinh thần hoàn thiện hơn, chân chính hơn, có sức mạnh hơn. Đến đây, có bạn đọc kỹ sẽ la lên rằng: Đạo trường chơi chữ, bảo dẹp đi mà còn y nguyên, rõ ràng là tình yêu thương, tình người tính nhân văn là nội dung của khái niệm Nhân của Khổng tử đấy chứ. ...các khái niệm khác đều vậy. Câu trả lời: đúng vậy mà không phải vậy. Bởi vì tình thương trong chữ Nhân của khổng tử là tình thương không đúng đắn, tình người trong chữ nhân của Khổng tử là tình người không trong sáng, Tính nhân văn trong chữ Nhân của Khổng tử là tính nhân văn không chân chính – chỉ hời hợt hình thức.. Tức là nếu bạn muốn giữ nguyên chữ Nhân thì phải mang nội hàm khác nội hàm chữ Nhân của Khổng tử. Để tránh lẫn lộn, nên dẹp bỏ chữ Nhân. Nói tóm lại. Nhiều người chưa hiểu được rằng trong hệ tư tưởng của phương Tây vẫn có đầy đủ Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, Công, Dung, Ngôn, Hạnh nhưng trình bày bằng khái niệm cụ thể khác và bản chất hoàn mỹ hơn các khái niệm của cụ Khổng. Và trong học thuyết của cụ Khổng nếu được suy xét chi ly suy luận khôn khéo phối hợp ngụy biện thì cũng hàm chứa Tự do, Bình đẳng, Bác ái, Dân chủ, Nhân quyền... như Tây phương nhưng chất lượng không ra sao cả!
Lại có bạn góp ý kiến: Đạo Trường chưa hiểu sâu xa nho học mà gán ghép chủ quan bừa bãi các tiêu cực lên các nội dung của học thuyết Khổng tử. Ví dụ, làm sao lại dám phán tình thương trong  chữ nhân của khổng tử là không đúng đắn? Không đúng đắn ở chỗ nào? ..v.v...
Các bạn ạ, những nhận định của tôi không phải của riêng tôi và được xuất phát từ sự thống nhất lý luận và thực tiễn. Người Mỹ rất thoải mái trong việc cho phép cộng đồng người Hoa mở các trung tâm Khổng giáo. Họ cũng tham gia nghiên cứu tích cực. Nhưng họ nghiên cứu với cái đầu ở trình độ tư duy cao, họ có sự phán xét rồi mới học tập cho nên không dễ gì học thuyết của Khổng Tử thâm nhập vào đầu óc họ đâu. Các bạn hay sai lầm, thấy người ta nghiên cứu nhiều là nhận định như vậy là Thuyết của cụ Khổng có giá trị. Các bạn phải thấy rằng các khu bảo tồn động vật hoang dã mọc lên khắp nơi nhưng chỉ để chiêm ngưỡng, nghiên cứu động vật, chứ không có người dùng khu bảo tồn làm nơi sinh sống cả.

Về mặt lý luận, Ngũ thường bắt nguồn từ cái gốc Tam cương, nó mang những nội dung phù hợp với Tam cương. Tứ Đức phát triển dựa trên cái nền Tam Tòng, nội dung của nó phải là bước thống nhất với Tam Tòng. Mà chúng ta biết Tam cương và Tam tòng là cực kỳ phản động, không ai có thể chối cãi. Hạt Tam Cương Tam Tòng độc hại nở ra cái mầm cái cây Ngũ Thường Tứ Đức độc hại. Vì quy định rằng “ quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”, cho nên chớ có làm gì phật ý vua quan hay bề trên mà mất mạng. Và vì thế, nhân nghĩa lễ trí tín muốn hay không đều là những đối phó cho vừa lòng bề trên cho đầu khỏi rớt cho xác không bị banh . Không có bình đẳng thì không thể có tình thương tự nhiên và thực sự ở đây. Trong thực tế, người ta biểu hiện tình thương cho kẻ dưới bằng sự ban ơn bố thí, đối với người trên thì nhẫn nhục chịu đựng, ca tụng bùi tai , với bạn bè thì chỉ là những lời hoa mỹ trên bờ môi chót lưỡi.

Tình thương chỉ dành cho đối tượng có lợi cho mình – tình thương ích kỷ không bao dung độ lượng (Chồng cho mình nương tựa hiện tại, Vợ cho mình con, con phục vụ mình tuổi già và hương khói mộ phần).Thế nên rất ít công tác từ thiện được tổ chức quy mô, tích cực như trong xã hội phương tây.

Chẳng có chuyện chồng thương con riêng của vợ hoàn toàn vô tư không phân biệt như ở Mỹ. Không có tự do và tự chủ nên bản chất tình thương, tình yêu, sự chung thủy ....tất cả đều có bản chất bị bắt buộc. Vì rằng “ Phu xướng phụ tùy”, “Tại gia tòng phụ”, “xuất giá tòng phu”, “phu tử tòng tử” cho nên Công , Dung , Ngôn, Hạnh của người phụ nữ trên thực tế phải uốn theo cho vừa lòng không Cha thì chồng, không chồng thì con. Mà nghiệt ngã hơn nữa là cha chồng con của họ phải nghe lời vua quan tuyệt đối. Do đó cái công dung ngôn hạnh của Cụ Khổng là cái gông cùm mà cha, chồng, con trai nhận từ vua quan rồi đeo vào cổ người phụ nữ. Công dung ngôn hạnh đó là những quy chuẩn cho người nô lệ. Người phụ nữ không bao giờ được sống với bản chất con người thật mà tạo hóa đã trao cho mình. Nhìn vào một cặp vợ chồng chung thủy ở Mỹ, tôi biết chắc chắn đó là gia đình hạnh phúc; một cặp vợ chồng chung thủy ở Việt nam hay Trung quốc chưa chắc là biểu tượng của hạnh phúc mà nhiều khi là sự chịu đựng khổ đau khôn xiết của một đời người phụ nữ.

Khổng Tử có nhiều quan niệm ngụy biện giả dối, ví dụ điển hình là ông đề cao, ca ngợi người dân nhưng trao uy quyền tuyệt đối vào tay vua thì người dân phỏng có thực nghĩa lý gì?. Té ra cái điều ông khuyên “ Cái gì ta không muốn thì đừng làm cho người khác” Hay học thuyết về “ Chính danh”... rất hay về mặt lý thuyết,nhưng trên thực tế thì ...tất cả chỉ để dạy cho dân đen ngoan ngoãn mà thôi: “ này , anh bạn dân ngu, hãy yên phận dân ngu của anh đi nhé, này thằng nô lệ kia hãy làm tốt công việc nô lệ của mày”. Còn ở triều đình thì: “Ôi bẩm bệ hạ, xin người đứng vững ở ngôi chính danh thiên tử, thằng nào không thích xin người cứ chém”. Hoặc nói với quan: “ bẩm quan, người là cha mẹ của dân, xin người thuộc nằm lòng câu chú - phụ xử tử vong tử bất vong bất hiếu – giết!” Tần Thủy Hoàng trước khi lên ngôi đã thấm thía cái dây trói ghì xiết của Nho giáo, bởi vậy nếu ông có quyền mà không triệt Nho giáo mới là chuyện vô đạo đức. Xót xa cho đám thảo dân có kiếp đời trâu ngựa bị đám vua chúa đọa đày không thoát ra được vì bị chúng xỏ mũi bằng sợi dây thép gai Nho giáo - Vua quan và các lãnh chúa dùng Nho giáo để nô dịch nhân dân, các nhà cách mạng phải phẫn nộ với Nho giáo. Nhờ nho giáo, tư tưởng Vua là trên hết, mà vua là người thu phục nhân gian về dưới quyền lực của mình, có được ít muốn nhiều hơn, có được hẹp muốn rộng hơn và cứ thế sự xâm lăng bành trướng ngày càng lan rộng để thỏa mãn cái dục vọng quyền lực của mình. Vua nước khác cũng thành thần dân của mình, phải xưng tụng mình là thiên tử thiên triều hỏi rằng người dân thường ở nước đó là gì? Có còn được thiên tử và thiên triều coi là người nữa hay không?

Nghiên cứu Nho giáo, đương nhiên tôi cũng phải tìm hiểu mục đích cụ Khổng viết ra học thuyết này để làm gì. Tôi đã rất buồn khi phát hiện ra rằng: Cụ muốn ve vãn thoả mãn cái nhu cầu duy trì quyền lực và lợi ích của vua chúa, hòng mong họ lại quả cho mình một vị trí trong xã hội.. Tội nghiệp Cụ, khi Cụ còn sống thì Cụ và học thuyết của mình không được trọng dụng. Đến khi mất đi, Mấy vị thiên tử mới thấy nó có lợi cho mình và ra sức khuyếch trương dùng nô dịch nhân dân. Tội nghiệp cho mấy học giả ngày nay ca ngợi cụ là người vĩ đại vì tác phẩm của cụ tồn tại hàng ngàn năm, bất chấp nó bảo vệ vài người và hành hạ cả tỷ người dân lương thiện.

Ở Phương Đông và nước ta nói riêng, những vị có chút danh tiếng và công sức được ghi nhận trong lịch sử cận đại và hiện đại phải chăng đều có liên quan đến nho giáo hay là họ đã rũ bỏ Nho giáo?”. Xin các bạn đừng nhầm tưởng cứ có chất nho giáo trong người thành công là chứng minh có vai trò tích cực của Nho giáo. Tư duy sai lầm qua việc dò tìm các bậc vĩ nhân có vương mùi Nho giáo để chứng minh nho giáo có lợi. Người Việt nam ta và người Trung quốc luôn bị ảnh hưởng của nho giáo, người Đạo Trường thấm đẫm mùi Nho giáo. Nhưng cái chất Nho giáo làm hạn chế tài cán và độ thành công, tài lãnh đạo của các cá nhân do đó thu về cái quả kinh tế chính trị, xã hội hay khoa học kỹ thuật bị giới hạn, chúng ta lạc hậu so với thế giới. Những người thành công đều phải thoát Nho giáo, độ thành công phụ thuộc vào độ thoát Nho giáo. Các nhà cách mạng và các nhà khoa học trứ danh của VN đã phải hấp thụ nền giáo dục của phương Tây. Nhật thoát sớm hơn chúng ta và Trung Hoa nên mới vượt được Trung Hoa. Trung Hoa gần đây mạnh lên là nhờ mở toang cửa du học Âu Mỹ chứ không phải nhờ nho giáo. Khắp thế giới không có những nhà lãnh đạo nào lại dại dột cho con mình sang du học ở VN hay Trung quốc. Nhận thức được vấn đề này, hiện nay ở Mỹ có cả chục ngàn du học sinh VN.

Vẫn còn nhiều người băn hoăn: Nho giáo có những điểm vẫn còn cần đấy chứ, phủ nhận sạch trơn thành quả của nho giáo và hệ thống học thuyết có đúng không? Và làm như vậy có phải là chà đạp lịch sử không? Chúng ta xét ẩn dụ này: trong nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, chúng tôi kêu gọi nông dân Việt Nam từ bỏ con trâu và cái cày và nên dùng máy cày. Chúng tôi phê phán con trâu cái cày, ca ngợi cái máy cày. Các bạn lý luận rằng tổ tiên ta từng nhờ có con trâu cái cày để mà có nền văn minh lúa nước, rồi từ đó mới có các anh ngày nay. Vì vậy việc anh phê phán phương thức làm ruộng bằng con trâu cái cày là phê phán tổ tiên anh, anh bắn đại bác vào lịch sử. Bạn thấy lập luận đó đúng không? Tôi xin miễn bàn thêm. Có bạn lý sự: Cái máy cày dùng xăng ô nhiễm môi trường, tiếng ồn làm sợ những bầy chim. Cho nên chúng ta cứ duy trì con trâu cái cày, nhất là khi máy cày hỏng thì rất hữu dụng. Rồi có bạn cho ý kiến, ừ thì dẹp con trâu cái cày vì nó làm khổ người khổ trâu mà năng xuất quá thấp kém. Nhưng dẹp phải có kế thừa, ví như ta tháo cái lưỡi cày cho trâu ra lắp vào máy để sử dụng tiếp.

Có bạn sẽ lại phản biện: Nho giáo đã cho ra những thành quả to lớn cho Việt Nam và Trung Hoa từ nhiều đời nay, nhờ vào Nho giáo mà mới có chúng ta ngày nay. Vì vậy chúng ta phải biết ơn Khổng tử. Câu trả lời tôi đã trình bày ở phần đầu bài viết.

Muốn trả lời nhấn mạnh hơn, chúng ta cùng xét Thành quả của Nho giáo trên bình diện tổng thể chứ không vài ba người đếm trên đầu ngón tay. Nhờ Nho giáo, Việt nam ta đã có những xã hội phong kiến lạc hậu, bất công, đói nghèo khổ đau. Cái quả cuối cùng đang nằm trên trường quốc tế là nước có trình độ văn minh kém, hết làm nô lệ cho giặc Tầu lại đến làm nô lệ cho giặc Tây. Như vậy, cái quả cụ Khổng đem lại cho chúng ta là cái quả cay cháy và đắng chát. Tổ tiên chúng ta đã phải vừa lau nước mắt vừa nuốt nó. Tôi nếm quả và tôi nhớ dân tộc tôi rồi tôi nhớ đến cụ Khổng. Người Tàu và người Tây khi xâm lăng đô hộ bóc lột chúng ta họ lấy lý lẽ gì biện minh cho hành động đó? Thưa các bạn, họ nói rằng họ đã đi khai hóa cho giống người An nam man di mọi rợ. Các bạn suy nghĩ gì khi có một số ít người nhận thức rằng chúng ta phải nhớ ơn giặc Tầu và giặc Tây vì không có họ chúng ta không có ngày hôm nay? Người Tàu mang sang đất Việt không chỉ giáo gươm cung tên để bắn vào người Việt mà còn mang súng bắn lưới Nho giáo để trói hồn người Việt. Chắc các bạn đã hiểu tôi mang ơn cụ Khổng hay tôi trách Cụ. Không phải là Việt nam có Nho giáo nên mới tồn tại đến ngày nay, không có nó chúng ta đã tồn tại ở đỉnh cao hơn và sẽ phát triển nhanh hơn, như nhiều quốc gia nhỏ bé khác. Đáng tiếc và đáng buồn là vì hoàn cảnh vị trí địa lý, hoàn cảnh xã hội, hoàn cảnh con người Việt Nam đã tạo điều kiện cho Nho giáo bành trướng và chen đẩy các hệ tư tưởng khác ra ngoài. Nhưng cũng may là cuối thế kỷ mười chín, đầu thế kỷ hai mươi các sĩ phu yêu nước, các trí thức yêu nước đã bôn ba hải ngoại và thoát ra tư tưởng Nho giáo, từ đó mới có việc giành độc lập dân tộc thành công. Lý luận này của tôi là nước đổ lá môn đối với những người khăng khăng quan điểm Nho giáo đã mang lại những thành quả quan trọng cho sự phát triển của dân tộc Việt nam và trong nhà của họ có bàn thờ cụ Khổng.

Xét sự sai lầm của tư duy trong câu lập luận về ví dụ vẽ tranh. Theo ý bạn Phương Minh thì “ Nó phản ánh sự chênh lệch về trình độ sản xuất, kỹ thuật giữa xã hội đã công nghiệp hóa với xã hội nông nghiệp. Hơn nữa, đó cũng là sự khác nhau giữa hai phong cách nghệ thuật: một đằng thiên về thần thái, một đằng thiên về tả thực chi tiết”. lập luận như vậy thì đích thị lạc hậu là do Nho giáo rồi bạn ơi. Vì nguyên nhân làm Trung Hoa không bước sang nền sản xuất và xã hội công nghiệp hóa mà cứ dậm chân ở nền tiểu nông lạc hậu là do tư duy lạc hậu. Mà tư duy lạc hậu là do bị định khuôn bởi Nho học độc tôn hàng nghìn năm nay. Hai phong cách nghệ thuật một thiên về thần thái mơ hồ, một thiên về thần thái qua tả thực chi tiết. Phong cách thần thái mơ hồ hình thành theo tư duy Nho giáo mơ hồ đã không đưa ra được tác phẩm. Việc tốn cơm không có kết quả này rõ ràng có nguyên nhân từ Nho giáo. Các nước châu âu không bị gò bó tư tưởng bởi một học thuyết chính trị thô cũ lạc hậu như Khổng học cho nên Văn, Thơ, Họa, Nhạc, Kiến trúc ...văn hóa cùng khoa học phát triển phong phú và rực rỡ hơn rất nhiều so với Trung hoa.

“Tôi có đọc một tác giả không nhớ tên trong đó có luận điểm thế này: Châu Phi, Châu Mỹ Latinh, Ấn độ nào có học Nho giáo sao họ cũng lạc hậu không theo kịp được các nước Phương Tây?” Cái tư duy kiểu này có sai lầm cơ bản, nên tra lại “ các lỗi thường gặp trong quá trình tư duy” nếu chưa có thì nên bổ xung. Tư duy kiểu này quên một điều Nho giáo chỉ là một trong nhiều học thuyết chính trị, mang ý nghĩa như phương tiện .

Trên đời này có nhiều phương tiện, có nhiều trào lưu tư tưởng chứ không phải chỉ có Nho Học và Tây học. Không thể nhận định người ta không dùng Nho học là người ta đã dùng Tây học, rồi suy luận người ta lạc hậu chứng tỏ Tây học cũng lạc hậu không nên áp dụng. Cũng không thể lý luận có phương tiện lạc hậu hơn Nho giáo thì thì chứng minh nho giáo không lạc hậu, bởi vì chúng ta đang so sánh với Tây học. Nhiều nước khác không dùng Nho giáo nhưng họ theo những học thuyết khác. nếu dùng học thuyết dẫn đến tư duy như châu âu thì đất nước phát triển như châu Âu, nếu học thuyết đó tuy không phải nho giáo nhưng cũng lạc hậu, thì sẽ lạc hậu hơn Châu Âu và giống Việt nam, Trung Hoa.

Có nhiều nguyên nhân làm Việt nam và Trung Hoa lạc hậu, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất chính yếu nhất là do tư duy nhận thức lạc hậu. và tư duy lạc hậu là do Nho giáo tác oai tác quái hàng ngàn năm nay.

Chúng ta hãy cùng nhau bàn luận thêm vài chi tiết để học bàn về tư duy.

1/ “Ông có cách đọc nhanh hơn rất nhiều các vị Nho học cả đời ngày xưa và có thể học nhanh quá nên ông chưa thấy được giá trị nào của đạo Nho”. Đây là một nhận định sai lầm.. Cái học kiểu Tầm chương trích cú, thầy đọc như cháo, trò chép như máy và học như vẹt thì học rất lâu mà không được kiến thức gì đã thấm sâu vào người Việt và người Trung. Cái phương pháp giáo dục đó, cái công nghệ giáo dục lạc hậu đó đã được coi là chuẩn mực của giáo dục. Ngày nay, một sinh viên đại học ở Mỹ một ngày ngoài giờ học trên giảng đường thì phải đọc hơn 300 trang sách. Đọc rất nhanh và phải nhớ. Học kiểu nho giáo sẽ không thể trở thành bác sĩ kỹ sư được. Chỉ có những người biết cách đọc thì mới đọc nhanh, đọc nhiều và hiểu nhanh được.

Chính vì cũng đã đọc nhiều và nghiền ngẫm nhiều nên hồi đầu vào chungta.com tôi chỉ đọc mấy bài của anh Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Trần Bạt, Hà Yên.... là tôi đã biết đây là những người chịu khó đọc và học đây, có chiều sâu suy nghĩ và sáng tạo đây, tôi đã đánh giá cao các nhân vật ấy.

Tôi đã phì cười và định tham luận với Thiên Quân khi bạn ấy có ý nói NHĐ chưa có nghiên cứu sâu Nho giáo. Nhưng tôi đã xóa đi phần tham luận đó, vì biết NHĐ chắc chắn sẽ trả lời. Câu phát biểu của bạn làm tôi nhớ lại một cụ già trước đây là một hiệu trưởng ở Sài gòn. Cụ là trí thức theo đạo khác không phải đạo Phật. Cụ viết một cuốn sách về những quan điểm xử thế gần 30 mặt chính trong đời sống hàng ngày, dựa trên tinh thần đạo giáo của Cụ. Một trưa hè, Cụ đưa ra tham khảo ý kiến tôi. Tôi đã lật bản thảo đánh máy dày chứa gần 30 chương trong vòng 15 -20 phút, cụ sửng sốt hỏi “ Cậu đọc xong rồi hả?”. “ Vâng , thưa thầy con đã đọc xong” . Rồi chúng tôi bàn luận về các ý tưởng của cụ trong nội dung cuốn sách suốt 6 tiếng đồng hồ. Khi ra về cụ nói với tôi rằng “ Thật không ngờ, vậy mà tôi đã lầm tưởng Anh không đọc gì cả khi cứ giở trang soàn soạt” . Chẳng có gì cao siêu ở đây cả, chẳng qua là các vấn đề cụ đưa ra cũng là những vấn đề tôi từng quan tâm, đọc nhiều, suy nghĩ kỹ, xắp xếp lại một cách hệ thống logic có nguồn có ngọn. Khi tôi đọc sách của cụ tôi chú ý đối chiếu kiến thức của mình với cơ sở lý luận của cụ , chộp bắt những nội dung,lập luận, nhận định sai lầm nổi bật hoặc đúng đắn đặc sắc của cụ.

Tôi đã từng gặp ý kiến phản biện làm tôi bó tay không thể tiếp tục lý luận được nữa: “ Ông đọc nhanh quá có thể ông chưa thấy được giá trị nào của tác phẩm và tác giả, chúng tôi không đọc gì nhưng chúng tôi biết tác phẩm và tác giả có thể có nhiều điểm rất giá trị.”

2/ “ Tôi hoan nghênh tinh thần phê phán mạnh mẽ, không chấp nhận đi lối mòn của ông NHĐ nhưng rồi cái kết luận cuối cùng của ông lại đưa chúng tôi vào lối mòn khác, đó chính là văn minh kỹ trị của phương tây và trích dẫn vài tác phẩm Thoát Á Luận của những năm đầu thế kỷ 20. thay chiếc áo này bằng một chiếc áo rách khác, phỏng có ích gì?”

Đây cũng là một minh chứng của tồn dư cách học cũ. Đã thành bản năng trong người Trung hoa và người Việt: cứ là thầy là phải đúng, cứ photo các nội dung đã phán ra. Tôi thì khác, NHĐ có quyền thể hiện ý nghĩ của mình, phê phán hay chứng minh, sáng tạo hay dẫn trích... tất cả đối với tôi chỉ là những vấn đề được nêu ra, tôi không nghĩ nó đúng hay sai ngay từ lúc đầu. Tôi lưu ý đến vấn đề được nêu lên này và tự nghiên cứu lại theo tri thức và kinh nghiệm của mình, Sau đó mới so sánh đối chiếu với lập luận dẫn chứng của NHĐ để tìm ra điểm tương đồng và khác biệt. Nếu có điểm khác biệt thì lại nghiền ngẫm tạo sao có sự khác biệt đó. Cuối cùng là rút ra kết luận đúng sai, ý nghĩa sử dụng của nhận thức gặt hái được qua quá trình nghiên cứu và tổng kết lại kinh nghiệm.

Cụ thể, Nguyễn Hoàng Đức đưa ra Thoát Á Luận, tôi chỉ cần biết là anh ta muốn chứng minh cho lý luận của mình bằng cái cụ thể nặng ký - có thể gọi là minh chứng. Tôi đọc và tôi xem người Nhật đã đánh giá tư duy người châu á như thế nào và họ thoát ra khỏi tư duy lạc hậu như thế nào, thành quả thoát á của họ là gì. Còn việc nó còn phù hợp hay không ( đúng-sai) trong tình hình hiện nay, có nên áp dụng cho VN hay không là việc khác mà tôi sẽ tự nghiên cứu sau. NHĐ hoặc bất cứ người nào đi nữa cũng đều không “thay áo” cho đời hay cho tôi được.

3/ Xin kể các bạn chuyện này để thấy Nho giáo đã ảnh hưởng đến ngôn ngữ như thế nào. Người Việt hay bối rối và nhầm lẫn khi trả lời bằng tiếng Anh câu hỏi “ có” hoặc “ Không”. Người Anh, Mỹ hỏi : Ngoài trời không mưa phải không? Tôi trả lời : “ Vâng, ngoài trời không mưa” người ta hỏi lại “ ông trả lời như thế thì làm sao tôi hiểu được có hay không?” à, tôi vội trả lời lại “ Không, ngoài trời không mưa”. Vậy là ở đây, hai nền văn hóa có sự khác nhau trong cách trả lời dùng ngôn từ “ Có”, “Không”.

Người Việt nam dùng từ Có - Không ở đầu câu là để khẳng định người hỏi( chủ thể) đã đúng hay không, ngược lại người Mỹ dùng Có -Không để khẳng định cái nội dung được hỏi. Người ta hỏi cái “Ngoài trời không mưa phải không?” là người ta muốn biết Trời đang mưa hay đang nắng ( thực tại khách quan) chứ họ không muốn biết quan điểm của họ ( chủ thể) đúng hay sai, họ hỏi để biết chứ không phải hỏi để trình bày quan điểm. Vậy mà người Việt Nam khi bàn về thực tại khách quan hay đi kèm đánh giá chủ thể, thậm chí quan tâm đánh giá chủ thể trước khi đánh giá vấn đề cần giải quyết - lạc đề mất rồi.

Tại sao chúng ta hay quan tâm đánh giá chủ thể trước khi xem xét ý tưởng hay đánh giá thành quả lao động cụ thể của người khác? Bởi vì nền nếp khuôn khổ suy nghĩ của chúng ta đã bị Nho giáo quy định qua nhiều đời. Tam cương là những nguyên tắc hà khắc quy định những mối quan hệ cùng với việc xác định những chủ thể. Lẫn lộn chủ thể, lỡ lời là chết, phải chính danh. Do đó trước khi mở miệng, phải làm công việc xác định chủ thể dần dần trở thành bản năng qua nhiều thế hệ. Chính vì vậy đại từ nhân xưng ngôi thứ ba số ít của tiếng Việt rất phong phú phù hợp chi li với nhiều ngôi vị khác nhau, chứ không chỉ vài từ You, he, she, Sir, madam.. như trong tiếng Anh. Cái bản năng này len cả vào trong sinh hoạt khoa học kỹ thuật và bàn luận học tập: nhiều bàn luận, góp ý kiến không chú trọng vào nội dung nghiên cứu hay bàn luận mà xoay ra đánh giá người trình bày.

4/ Khi bạn hỏi: “Anh đang làm gì đấy?”, trả lời: “ tôi đang tư duy” , hỏi tiếp “ Mà tư duy về cái gì cơ chứ?” trả lời “ không có gì cả, chỉ đang tư duy thôi”. Ôi, không còn gì ngớ ngẩn hơn thế. Nhưng qua ví dụ đó ta biết rằng Tư duy phải luôn có đối tượng tư duy. Do đó muốn bàn luận, đánh giá, phê phán về tư duy, lý luận ta phải có kiến thức về đối tượng đó. Như vậy không có kiến thức về Nho giáo, bạn không thể tham luận, phê phán Tư duy lý luận về Nho giáo của NHĐ hay bất cứ người nào khác.

Trong sinh hoạt và lao động trí óc, cái lười biếng thụ động tiêu cực thể hiện ở chỗ cái gì cũng phải bày sẵn chi li cho mình. Thiếu cái nhìn và cái tư duy tổng quát – thứ mà Nguyễn Hoàng Đức đang loay hoay góp sức với mọi người sửa chữa. Ví dụ khi có lời phê phán phát ra :“ Nho giáo sai” hoặc ca ngợi “ Nho giáo đúng”, đối với người bàng quan thụ động sẽ là gió thoảng mây bay ở một phương trời nào đó chứ hoàn toàn không có gì lay động tư duy của mình cả. Nhưng đối với những người tích cực thì lập tức họ liên hệ trong não mình về Nho giáo xem nhận thức Nho giáo của mình đã có những gì. Nếu không có gì, với tinh thần chủ động tích cực để học tập, ta sẽ lần lục các sách về nho giáo đọc lại, nếu không có thời gian thì hỏi thẳng để mà học từ chính người phê phán hay ca ngợi đó. Nếu đã có chút vốn liếng về Nho giáo thì ta có thể tham luận ủng hộ hoặc phản biện.

5/ Có nhiều bạn tham luận không phải để học hỏi, không đi tìm sự thật mà chỉ khư khư bảo vệ ý kiến mình hoặc khăng khăng chống ý kiến người khác bằng những lý luận chủ quan cố chấp ngang ngược. Bàn luận với những người này có vô bổ không? Tôi thấy rằng không có gì là vô bổ cả, ít nhất cũng luyện cho mình tính kiên nhẫn. Nhiều ý kiến mang nội dung phản văn hóa. Ô, chuyện bình thường ở quần thể dân trí còn thấp, đó chính là minh chứng cho sự cần thiết khai sáng mà chungta.com đang theo đuổi. Với dân trí còn thấp thì chúng ta nên bàn luận cụ thể, tưởng là lặt vặt mà rất hữu dụng. Bàn cao siêu quá, mọi người sẽ sa vào mớ bòng bong khó thoát.

Bài bàn luận này tôi đã thể hiện quan điểm của mình:


Thời đại ngày nay Nho giáo còn rất nhiều ảnh hưởng và có giá trị, nhưng chỉ là những giá trị tiêu cực. Muốn phát triển con người và đất nước phải dẹp bỏ học thuyết Khổng Tử tận gốc rễ. bàn luận và tranh biện về vấn đề Nho giáo hay nhiều vấn đề cụ thể khác, chúng ta có thể cùng nhau rèn luyện tư duy, phát triển tri thức và bản lĩnh.


*) Nguyễn Quang Thạch (sachchonongdan@gmail.com): Là bạn viết comment "Cái đích của bàn luận là gì?" tham gia cùng tranh luận:

Tôi chắc thuộc nhóm sinh sau mọi người (1975) và thiết nghĩ rằng các cuộc tranh luận của mọi người cần hướng tới mục tiêu khuyến trí để thế hệ trẻ chúng tôi nhận biết cái xấu, cái hay, cái dở mà định dạng mình đóng góp vào sự phát triển của đất nước với nhận thức đầy đủ hơn.
Theo quan điểm của tôi, ông Nguyễn Hoàng Đức đang chỉ rõ những khuyết thiếu của Nho học và những tác động của nó đển sự phát triển của đất nước. Thực ra, ông Nguyễn Hoàng Đức không phải là người đầu tiên ở Việt Nam làm việc nay mà những bậc đại trí như cụ Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Văn Vĩnh, bằng cách này hay cách khác đã nói và làm.
Nếu chúng ta thấy rằng, sự chi phối của TQ ngày càng lớn đối với các nước láng giêng trong đó có VN ngày càng lớn, và những hiểm họa của nó, mỗi công dân chúng ta, bằng cách này hay cách khác tìm cách ứng phó để bảo vệ chính chúng ta là điều nên làm.
Mỗi người có mỗi cách đưa ra vấn đề, cách của ông Nguyễn Hoàng Đức là nhằm để tạo ra các ức chế nội thân trong mỗi con người chúng ta khi đọc các ý kiến của ông ấy, cách làm này sẽ có những hiệu ứng tốt, ít nhất là "tự bắt" mọi người phải gõ bàn phím mà nói lên suy nghĩ của mình. Có những người khác thì cách viết nhẹ nhàng hơn như bài Lý tưởng bình thiên hạ (Tia Sáng).
Rất mong mọi người tiếp tục đưa ra ý kiến của mình nhưng trên quan điểm xây dựng. Các bài viết của các bác các chú... ít nhiều cũng tác động đến lớp trẻ chúng tôi.

No comments:

Post a Comment