Tuesday, 28 October 2014
Luận về Anh hùng, Trên đời này không ai là hoàn thiện.
Hy Văn
Cái nhận thức chỉ được coi anh hùng một khi con người hoàn thiện là nhận thức sai lầm và phản động. Cái nhận thức đó che dấu cái ghen tỵ nhỏ nhen luôn muốn phủ nhận tính anh hùng của người khác – luôn mong người khác hèn như mình,và là cái ngụy biện cho sự hèn yếu hết thuốc chữa của mình. Trần Bình Trọng có phải là người Anh hùng hay không? Trần Bình Trọng là người anh hùng của Việt nam và của cả nhân loại bởi vì đã sẵn sàng hy sinh cái tôi – cái riêng tư cụ thể của mình cho mọi người -tổng thể tổng quát. Trần Bình Trọng có thói hư tật xấu không? Ai mà biết được, bởi vì đâu có ai đề cập đến chuyện đó để mà đi bới lông tìm vết. Nhưng học tập lý luận khoa học và triết học cùng với trải nghiệm thực tế đời mình , tôi hiểu rằng Trần Bình Trọng chắc chắn có thói hư tật xấu, nhiều là đằng khác trong vô số quan hệ đời người: Mình với Cha mẹ, thầy cô, bạn hữu, bề trên, bề dưới, mình với chính mình, với môi trường...v.v.. Kết thúc một Trần Bình Trọng bình thường, là sự kết thúc đầy đủ ưu và khuyết bằng sự hy sinh cái nhỏ bé cho cái lớn lao vĩ đại cho ra cái quả tối thượng sống nghìn năm: một Anh hùng. Muốn kiếm một người toàn bích để suy tôn anh hùng, bạn hãy đi ra khỏi cái vũ trụ này mà tìm kiếm.
Xét trên bình diện quốc gia và nhà nước cũng vậy, không bao giờ có một quốc gia hay một nhà nước hoàn thiện. Chỉ có quốc gia này hay nhà nước nọ tốt hơn quốc gia kia hay nhà nước đó mà thôi. Đi từ Á sang Âu, sang Phi, Sang Mỹ. Tôi hiểu rằng nước Mỹ không và không bao giờ là một thiên đàng, nhưng là một nước có nhiều điều tốt đẹp hơn các quốc gia khác cho chúng ta học tập. Tổ chức nước Mỹ, Dân trí Mỹ, đời sống vật chất nước Mỹ hiện nay không biết bao giờ người Việt mới đạt đến đây? Và lúc ta đạt đến thì người ta lại đã đến đâu rồi? Cụ rùa cứ chạy riết sau một con cáo láu lỉnh và chăm chỉ.
Các bạn hiểu sai tệ hại câu minh triết “ ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “uống nước nhớ nguồn”. Thầy dạy học lớp một của tôi chỉ biết viết chữ ( và viết rất đẹp), toán thì chỉ biết cộng trừ nhân chia đơn giản. Thế nhưng, từ khi học trung học cho đến khi tôi ra làm bác sĩ, ngày mùng ba tết nào cũng đến thăm thầy. Sinh nhật nào của thầy cô chúng tôi cũng nhớ gửi bông và thiệp chúc mừng. Hiện tại ngày giỗ thầy cô chúng tôi vẫn nhớ. Tôi tin chắc rằng chúng tôi biết ơn thầy cô của mình sâu sắc hơn rất rất nhiều bạn trẻ hiện nay, điều này là do Phật học và khoa học tạo nên chứ không phải Nho giáo. Thế nhưng chúng tôi không bao giờ sử dụng cái lối tư duy và nhiều tri thức sống của thầy cả .Bởi vì tư duy, tri thức sống của thầy thời xưa không thể áp dụng trong hoạt động sống và lao động của một bác sĩ hiện tại. Chúng tôi cũng chỉ biết ơn người đã dạy chúng tôi và chỉ nhớ như kỷ niệm chứ không nhớ ơn cái công cụ mà thầy đã sử dụng là cái bảng và viên phấn. Chúng tôi “ăn quả nhớ ơn người trồng” chứ không “ăn quả nhớ ơn dụng cụ hoặc ăn quả nhớ ơn quả”.
Nho giáo cũng vậy, đó là học thuyết có ý nghĩa như kim chỉ nam ( là phương tiện là công cụ). Khi tôi dùng công cụ đó có lợi cho tôi, tôi nhớ ơn Cụ Khổng. Khi tôi thấy công cụ đó lạc hậu rồi, tôi bỏ không dùng nữa không bao giờ có nghĩa tôi quên ơn cụ Khổng. Khi tôi phê phán công cụ không hữu ích, chất trong hành trang tăng gánh nặng làm người mang gục ngã trên đường đời, nên quẳng đi, cũng hoàn toàn không phải tôi phủ nhận công lao của cụ Khổng. Cụ Khổng trồng cây vú sữa cạnh nhà tôi từ thời ông tổ nhà tôi, nhiều thế hệ đã ăn trái từ cây đó và họ đã nhớ ơn cụ Khổng hay không là chuyện của họ, rất rõ ràng sòng phẳng. Nhưng đến thế hệ cha mẹ tôi thì cây quá già hết ra trái, chẳng được ăn mà cứ phải gò lưng quét lá suốt. Rễ cây đâm vào nhà làm nghiêng tường nứt vách. Bố mẹ tôi có phải mang ơn cụ Khổng không? Đến thế hệ tôi, cây vú sữa đã quá già nghiêng sắp đổ sập lên căn nhà nhỏ, mọi người sẽ chết thảm vì nó. Bởi vậy tôi cưa cắt béng nó đi, như thế tôi đúng hay sai? Tôi không tôn trọng cụ Khổng ở điểm nào? Sự việc tồi tệ hơn ở nhà thằng bạn tôi. Nó phát hiện ra cụ Khổng muốn trồng bụi hoa mà không hiểu sao mọc lên lại là bụi gai Nho giáo chắn ngang cửa nhà dòng dõi sĩ phu của nó, nhiều đời không bứng đi được cứ phải đi vòng qua rất bất tiện và bị gai đâm khổ sở nữa. Đến đời nó, bụi gai to tổ chảng chắn lối đi làm nó không thể vào ra . Nó điên tiết và quyết phá bụi gai cho bằng được. Như vậy cụ Khổng đáng được dòng họ nhà nó nhớ ơn hay đáng trách?
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment