Phạm Xuân Nguyên
Đầu Tư
11:05' PM - Thứ bảy, 17/01/2009
Đầu Tư
11:05' PM - Thứ bảy, 17/01/2009
1. Khi Rắn trong vườn Eden tỉ tê dụ dỗ Eva ăn trái cấm, nó đã xui Người phạm tội tổ tông
Trái táo vườn trời, người ăn, đã đưa người xuống hạ giới. Những người đã nhờ trái táo đó mà có được sức mạnh và quyền năng ngang Chúa: ăn trái cấm người có trí thức, hiểu biết, nhận thức. Trái trí thức, nhờ Rắn, Người đã được biết, đã được hưởng. Chúa nổi giận, đuổi Eva cùng Adam xuống trần, bắt phải lao khổ mà sống. Và Chúa đã trừng phạt Rắn tội đã đem lại hiểu biết cho Người bằng cách bắt bò luồn chui nhủi. Nhưng Người biết ơn Rắn đã cho mình cơ hội thành Người.
2. Từ đó Người là sinh vật có tư duy
"Người là cây sậy, nhưng là cây sậy có tư duy" (Pascal). "Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại" (Descartes). Con người tư duy bằng những tri thức lấy từ cuộc đời, từ sách vở, thông qua sự học tập, học hỏi. Học vấn giúp Người đứng thẳng chân trên mặt đất, vươn cao đầu tới trời mây. Người không là Rắn. Người muốn là Rồng. Rồng không có thực trong vũ trụ, nhưng nó là hiện hữu của khát vọng bay bổng vươn cao tung hoành phỉ chi của con người. Ngày xưa đi học đi thi là "cá vượt Vũ Môn" để hóa rồng, tức từ người học trò trở thành người tài giỏi, đỗ đạt bằng cấp, bắt đầu bay nhảy thi thố tài năng ở đời. Và nếu Rồng Mây gặp hội thì sở học có điều kiện đem ra thực hiện, mà sự giúp ích cho đời, cho người có thể thiết thực và lớn lao. Cố nhiên, Vũ Môn là cái thác thử tài thực sự, muốn qua nó thì phải nhảy cao vọt lên, chứ không phải luồn lách ở dưới.
3. Tương truyền Khổng tử gọi Lão tử là Rồng
Sau khi đến gặp Lão tử về, thầy Khổng nói với các môn sinh: "Loài chim ta biết nó bay được, loài cá ta biết nó lội được, loài thú ta biết nó chạy được. Chạy thì ta dùng lưới để bẫy, lội thì ta dùng câu để bắt, bay thì ta dùng tên để bắn. Đến loài rồng cưỡi gió mây mà lên trời thì ta không sao biết được. Hôm nay ta gặp Lão tử. Ông là con Rồng chăng?" Khổng tử là bậc thầy suốt đời "học nhi bất yếm, hối nhân bất nguyện" (học không chán, dạy người không mỏi), môn sinh ông có hơn ba nghìn người, bảy mươi hai người thành đạt lớn, trong đó có những tên tuổi thành tấm gương truyền tụng muôn đời. Lối học ngày xưa ấy là "học chí như ngu thị vị hiền" (học đến như ngu là thành bậc hiền). "Ngu" đây không phải ngu dốt, mà là thông đạt, hiểu thấu, nắm chắc, biết rõ. Khổng Tử được hâu thế lưu danh là "vạn thế sư biểu" (bậc thầy muôn đời) vì chất lượng dạy và học của mình, vì kết quả giáo dục của mình.
Lão tử siêu việt ở cái câu "Đạo khả đạo phi thường đạo, Danh khả danh phi thường danh" không chỉ ở nội dung uyên bác thâm hậu về triết học, mà cả ở nội dung giáo dục. Nhiều người học thời nay hay "khả đạo" và "khả danh" lắm. Đâu đó ở thế giới người hiền Lão tử nhìn về cười thương mà rằng "đại phương vô ngung" (hình vuông lớn thì không có góc).
4. Bởi phàm là loài bò thì không biết bay. Sự học có kiểu Rắn kiểu Rồng
Một nền giáo dục muốn tạo ra Rồng, muốn dùng học vấn đưa đất nước lên thế Rồng bay, nhưng nếu dạy và học, và đào tạo theo kiểu Rắn thì sẽ cho ra những sản phẩm vỏ Rồng xác Rắn không thể cất mình lên được, nói chi tới cất cánh. Hiện tượng học chạy theo bằng cấp, chuộng danh tước vị, đang có nguy cơ lan tràn hiện nay, đấy có thể gọi là hiện tượng "rắn lột xác". Nhưng dù da rắn có thay mới, xác rắn vẫn hoàn xác rắn, không thể lột mà hóa rồng được. Khá nhan nhản bây giờ các học vị sau đại học trên các phương tiện thông tin đại chúng, các tấm danh thiếp, các cuộc hội họp hội thảo lễ lạt. Đến như trên trang bìa sách vốn thông lệ quốc tế là chỉ đề tên tác giả không thôi, nhưng ở ta phá lệ, tự lập một kiểu riêng, cứ là phải để học vị kèm theo tên ngay ngoài bìa. Ôi, không chưng ra thì người ta không biết! Người đàng hoàng chân chính được nhận danh hiệu đàng hoàng chân chính thì khiêm nhường, im lặng làm việc, sáng tạo, cống hiến. Kẻ đầu cơ trục lợi mua danh chạy vị thì hay rùm beng, ầm ĩ.
5. "Trứng Rồng lại nở ra Rồng, Liu điu lại nở ra dòng Liu điu", câu ca dao đã khẳng định một sự thật, ở đây là sự thật của sự học.
Rồng rắn lên mây là một trò chơi trẻ con, không nên biến nó thành chất lượng của một nền giáo dục. Nói thẳng ra, nền giáo dục nước nhà không nên chơi cái trò rồng rắn lên mây, hại cho dân cho nước. Nhất là lúc mở đầu một thế kỷ và thiên niên kỷ mới, khi kinh tế tri thức đang là một đòi hỏi bức xúc của nước nhà. Người Việt là con Rồng cháu Tiên, kinh đô Việt là Rồng Lên, chúng ta phải hóa Rồng cho giang sơn đất nước. Muốn vậy, nền giáo dục phải ấp nở được những con rồng thực sự.
Rắn thì bò, còn Rồng thì bay.
Nhìn vào thực trạng giáo dục của ta hiện thời thì thấy cảnh "rồng rắn lên mây" đang diễn ra. Nào ai chơi trò này, mời vào.
Đến sự lễ phép
Ở các trường mẫu giáo ở Mỹ, ngoài việc khơi mở trí lực giai đoạn đầu cho trẻ, người ta rất coi trọng việc dạy cho trẻ các quy tắc lễ nghi. Yêu cầu đối với mỗi em là phải nghe theo lời chỉ bảo của các giáo viên, học cách tham gia các hoạt động tập thể cùng với những học sinh khác. Trong các trường mẫu giáo ở Mỹ, mỗi khi có một bạn nhỏ hắt xì, sẽ phải nói với những người bạn xung quanh của em rằng: “Xin lỗi!”, ngược lại, những người bạn của em sẽ nói: “Chúc phúc cho cậu!”. Điều này đã trở thành một hành vi tự giác của trẻ.
Đối với những trẻ em phạm lỗi, không nghe lời,… người ta thường dùng phương pháp “phạt ở một mình”. Lý do là, trẻ em ở độ tuổi này sợ nhất là việc phải ở một mình. Hơn nữa, phương pháp này cũng có tính khoa học của nó. Khi trẻ bình tĩnh trở lại, mới giảng giải điều hay lẽ phải cho trẻ hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều. Tất nhiên việc “giam” một mình đối với trẻ có phần nào đó khó chấp nhận đối với các bậc phụ huynh, tuy nhiên, nó có thể tạo được ảnh hưởng tích cực, đó chính là giúp trẻ hình thành thói quen giữ bình tĩnh trở lại khi đang tức giận. Nổi nóng ở những nơi công cộng là điều dường như không ai có thể chấp nhận được ở Mỹ. Do đó có thể khống chế được tình cảm của bản thân, bất luận trong tình huống như thế nào cũng có thể bình tĩnh ứng xử là một nội dung quan trọng trong các mối quan hệ công chúng ở Mỹ. Phong độ cũng như sự trầm tĩnh của người Mỹ, có lẽ liên quan nhiều đến phương pháp giáo dục ngay từ độ tuổi mẫu giáo này.
Trong việc giáo dục những lễ nghi ứng xử cho trẻ ở giai đoạn này, một trong những yếu tố rất được đề cao là vai trò của người giáo viên. Ở độ tuổi mẫu giáo, những điều trẻ học được không phải là những lý giải mà là những mô phỏng. Vì thế, nếu như những thầy cô giáo ở trường có thái độ không tốt đối với trẻ, chúng sẽ học theo các thầy cô, đối xử không tốt với bạn bè và người xung quanh. Nói cách khác, hành vi của giáo viên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý cũng như sự hình thành tính cách của trẻ. Do đó, những giáo viên mẫu giáo ở Mỹ đều phải thông qua những yêu cầu rất nghiêm ngặt về trình độ. Bên cạnh yêu cầu trình độ cử nhân trở lên, những giáo viên này còn phải thông qua một chương trình tập huấn chuyên nghiệp và đạt được “Chứng chỉ giáo viên mẫu giáo” hoặc “Chứng chỉ giáo viên tiểu học”. Những năm gần đây, một số bang của Mỹ còn đưa ra yêu cầu trình độ tối thiểu là thạc sỹ đối với các giáo viên ở trường mẫu giáo.
Sự tôn trọng: Chất “dinh dưỡng” đặc biệt
Ở Mỹ, việc tôn trọng trẻ em không chỉ vì chúng nhỏ tuổi, cần sự ưu ái, quan tâm, chăm sóc mà còn vì trong quan niệm của họ, mỗi đứa trẻ ngay từ khi ra đời đã là một cá thể độc lập, có cá tính và những mong muốn độc lập của mình. Bất kể là bố mẹ hay thầy cô giáo đều không có đặc quyền chi phối và hạn chế hành vi của chúng. Đặc biệt là trẻ em, sau này trưởng thành, cha mẹ hay thầy cô không thể thay thế thế chúng trong những lựa chọn mà chúng phải đối mặt trong hiện thực. Vì thế, cần phải làm cho trẻ cảm thấy rằng, bản thân chúng, chứ không phải ai khác là chủ nhân của mình.
Chẳng hạn, người Mỹ rất chú ý đến phương pháp cũng như giọng điệu khi nói chuyện với trẻ. Khi nói chuyện với trẻ, người lớn không chỉ phải chăm chú nghe mà có lúc còn phải quỳ xuống để nói chuyện với trẻ một cách “bình đẳng”, khiến trẻ cảm thấy được tôn trọng. Khi trẻ ăn cơm, không thể ép, khi trẻ phạm lỗi không nên quở mắng quá lời, khi muốn trẻ thay quần áo, cũng không thể to tiếng quát nạt,… nếu không, sẽ làm cho trẻ cảm giác nặng nề và tự ti.
Người Mỹ, khi đem con đến nhà người khác, nếu như chủ nhân đưa đồ ăn cho trẻ, họ sẽ không thay trẻ nói những câu đại loại như: “Không ăn đâu!”, “Không cần đâu!”,… Đồng thời, khi trẻ tỏ ý muốn ăn đồ ăn, họ cũng sẽ không to tiếng quát mắng. Họ cho rằng, trẻ muốn xem gì, ăn gì, bản thân nó không có gì sai, nếu như trẻ có nhu cầu đó, không có lý do gì có thể chỉ trích chúng cả. Điều những người lớn phải làm là, căn cứ vào thời điểm thích hợp mà đưa ra sự giảng giải thích hợp để trẻ hiểu, với tư cách là “người hướng dẫn”. Người Mỹ phản đối việc dạy dỗ con cái trước mặt người khác, càng không cho phép việc trách mắng là “ngu dốt”, “chẳng làm nên trò trống gì”, “không có chí khí”,… trước mặt nhiều người. Vì rằng, cách dạy dỗ đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tự tin cũng như sự phát triển về sau của trẻ.
Nhà giáo dục vĩ đại John Locke từng nói: “Bố mẹ không nói nhiều đến các lỗi của con cái thì chúng sẽ ngày càng coi trọng danh dự của bản thân, từ đó cố gắng để đạt được những lời khen ngợi của người khác đối với mình. Nếu như cha mẹ trước mặt mọi người nhắc đến lỗi lầm của trẻ sẽ khiến chúng xấu hổ. Trẻ em càng cảm thấy danh dự của bản thân bị tổn hại, lại càng ít chú ý đến việc giữ gìn danh dự”. Có người cho rằng, người Mỹ đã tôn trọng con cái một cách quá đáng, nhưng thực tế đã chứng minh, những trẻ em được bố mẹ chúng tôn trọng tỏ ra rất hợp tác với bố mẹ, hữu hảo với bạn bè, rất lễ phép, không có cảm giác mất tự nhiên khi nói chuyện với người lớn.
Hai mươi phút quan trọng trong ngày
Nhiều nhà giáo dục Mỹ kêu gọi các bậc cha mẹ dành 20 phút mỗi ngày để đọc sách cho con cái của mình nghe. Hai mươi phút là thời gian không dài nhưng sẽ rất hữu ích với trẻ. Qua giọng đọc rủ rỉ của cha mẹ mỗi ngày, hứng thú về việc đọc sách sẽ dần được hình thành trong trẻ. Bên cạnh đó, thực tiễn đã chứng minh, việc trẻ được nghe đọc sách thường xuyên có thể giúp trẻ tăng cường khả năng chú ý, vốn từ vựng, kích thích, khơi gợi trí tưởng tượng, mở rộng tầm nhìn và kiến văn cho trẻ,… Vì thế, ở Mỹ các chuyên gia đều khuyên các bậc phụ huynh đọc sách cho trẻ nghe càng sớm càng tốt.
Người Mỹ rất chú trọng việc đọc sách cho trẻ nghe mỗi ngày. Tại bang Hawaii nước Mỹ, các nhà giáo dục kết hợp với chính quyền nơi đây đã tổ chức cả một hoạt động quy mô: “Hãy đọc vì trẻ em”, kêu gọi các bậc phụ huynh mỗi ngày dành ít nhất là 10 phút để đọc sách cho trẻ nghe. Hoạt động này nhanh chóng lan rộng ra các bang khác của Mỹ với quy mô ngày càng lớn. Từ đó, không ít các tập đoàn kinh tế tổ chức và tham gia các loại hoạt động tương tự, đồng thời gọi đó là: “Hai mươi phút quan trọng nhất trong ngày của bạn”.
Tiểu kết
Lâu nay, người ta nói nhiều, bàn nhiều đến giáo dục Mỹ với một sự ngưỡng vọng về một nền giáo dục hiện đại và phát triển nhất thế giới. Điều gì tạo nên thành công của nền giáo dục Mỹ? Nguyên nhân thì có rất nhiều, song, có lẽ một trong những nguyên nhân quan trọng là người Mỹ đã quan tâm một cách thực sự đến việc giáo dục và đào tạo con người ngay từ giai đoạn đầu tiên. Cách mà người Mỹ dạy trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo có lẽ sẽ cho chúng ta nhiều gợi ý về một sự quan tâm đúng mức trong việc giáo dục trẻ ở giai đoạn này.
No comments:
Post a Comment