Sunday, 9 March 2014

Wilhelm Von Humboldt và “lý tưởng đại học”. Hai tư tưởng chủ đạo: cá nhân tự trị và tinh thần công dân thế giới

Bùi Văn Nam Sơn   26/12/2010 09:20:09 AM

“Đối với người hoạt động tinh thần, lòng say mê chân lý là lòng say mê mạnh mẽ nhất (…) Thế nhưng, hãy thử hình dung cảnh tượng một vị lão trượng đáng kính, lừng danh vì suốt đời đã hiến mình cho việc duy nhất là nghiên cứu tự nhiên, phải quỳ gối thề bỏ những bằng chứng của chính lương tâm mình về chân lý mà mình đã chứng minh một cách thuyết phục” .

Đó là mấy câu của nhà thiên văn học Laplace trong tường thuật của ông (1796) về thảm kịch của Galileo Galilei (1564 – 1642): sự xung đột trường kỳ giữa cường quyền và tự do học thuật.

Không muốn làm “anh hùng”
 
Đó là năm 1634, khi Galilei buộc phải “quỳ gối” tuyên bố từ bỏ thuyết nhật tâm (trái đất quay quanh mặt trời) để tránh số phận của Giordano Bruno (1548 – 1600) bị đưa lên giàn hoả trước đó không lâu. Bertolt Brecht, trong vở kịch nổi tiếng Cuộc đời Galilei, dựng nên mẫu đối thoại bất hủ: Andrea, môn đệ, đau đớn và thất vọng trước thầy mình, đã phẫn uất kêu lên: “Bất hạnh thay đất nước không có anh hùng!” Galilei mệt mỏi trả lời: “Bất hạnh thay đất nước cần có anh hùng!”

Nhà khoa học trong tay không tấc sắt chắc chẳng muốn trở thành “anh hùng” làm gì mà chỉ muốn người ta để yên cho mình với cây bút và… chiếc kính viễn vọng. Nhưng, từ thảm cảnh “đốt sách, chôn nho” thời Tần Thuỷ Hoàng, sự bức tử Socrates đến bi kịch Bruno, Galilei và còn nhiều nữa, lịch sử văn hoá đầy những trang huyết lệ.

Lịch sử khoa học nói chung, nền khoa học và đại học hiện đại nói riêng, là một thiên tráng ca, vừa đồng hành, vừa phải vượt lên hoàn cảnh và tâm thức của mỗi thời đại.

“Universitas”

Phương Tây bắt đầu chuyển từ nền văn hoá phong kiến sang văn hoá đô thị từ thế kỷ 13, 14. Những đại học đầu tiên được thành lập: ý tưởng và sự tồn tại của chúng là một bộ phận then chốt của nền văn hoá này. Chữ “đại học” (universitas) (theo hiến chương thành lập đại học Vienna năm 1365) bao gồm hai bộ phận: nghiên cứu và giảng dạy tri thức trong tính phổ quát của nó; và hình thành một cộng đồng khoa học giữa thầy và trò, vì tri thức chỉ có thể có thông qua trao đổi, đối thoại. Việc xác lập hai ý tưởng nguyên thuỷ này về đại học là một thành tựu lịch sử, nhưng nó gặp phải hai trở lực: một trở lực không bất ngờ, đó là các thế lực thần quyền và thế quyền (mà Galilei là trường hợp tiêu biểu); và một trở lực bất ngờ, đó là sự ra đời của xã hội công nghiệp hoá.

Từ thời khai minh (thế kỷ 17 – 18), con người hiện đại được hiểu như “con người lao động và chủ sở hữu” (homo faber). Lao động và sở hữu trở thành cốt lõi của con người, đồng thời sẽ bảo vệ sự tự do của con người. Trong bối cảnh ấy, mục đích hàng đầu của khoa học là phải phục vụ cho sản xuất bằng những phát minh kỹ thuật. Các ngành khoa học tự nhiên, trong chừng mực góp phần vào “sự giàu có của các quốc gia” – vì làm cơ sở cho kỹ thuật và sự thịnh vượng kinh tế, chứ không phải do tính phổ quát của chúng – giữ vị trí thống trị tuyệt đối. Cách tiếp cận thực dụng này đã dẫn đến một sự khủng hoảng trầm trọng cho hệ thống đại học vào cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Trong thời gian từ 1790 đến 1820, nhiều đại học trong khu vực nói tiếng Đức bị đóng cửa, nhường chỗ cho các trường kỹ thuật, trực tiếp phục vụ cho quá trình sản xuất và lao động.

Nhưng, đã bắt đầu có những tiếng nói chống lại xu hướng công cụ hoá khoa học này. Chính Adam Smith, cha đẻ kinh tế học hiện đại, sớm nhận ra rằng sự phân công lao động đơn điệu và phiến diện trong xã hội công nghiệp sẽ dẫn đến sự tha hoá và phi nhân hoá người lao động, “biến họ trở thành những người càng ngu xuẩn, càng dốt nát càng tốt, làm cho tình cảm của họ bị què quặt và không còn năng lực phán đoán phải trái nữa” (Sự giàu có của các quốc gia).

Wilhelm Von Humboldt và “lý tưởng đại học”

Mọi tôn giáo, nghệ thuật và khoa học đều là cành nhánh của một thân cây. Tất cả những khát vọng ấy đều nhằm hướng con người đến cuộc sống cao quý và tự do, vượt lên khỏi sự tồn tại vật chất”.

Albert Einstein W.v. Humboldt (1767 – 1835) lãnh sứ mạng canh tân đại học, mang lại thành công vang dội cho nền khoa học Đức suốt thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20. Đại học Berlin trở thành mô hình đại học chuẩn mực cho các nước Âu – Mỹ và các nước phát triển khác. Ông kết hợp ý tưởng “Universitas” nguyên thuỷ với tư tưởng tiến bộ của thời khai minh và yêu cầu của xã hội hiện đại. “Lý tưởng đại học” của Humboldt xoay quanh hai tư tưởng chủ đạo và hai điều kiện cần:

Hai tư tưởng chủ đạo: cá nhân tự trị và tinh thần công dân thế giới. Đại học phải là nơi đào tạo những cá nhân tự trị và con người công dân thế giới, hay, nói đúng hơn, là nơi con người ấy tự hình thành. Cá nhân tự trị là người biết tự quyết và biết sử dụng lý trí của mình một cách trưởng thành trên cơ sở tri thức phổ quát và toàn diện mà linh hồn của nó là tư tưởng triết học nhân bản. Công dân thế giới là mối dây liên kết mọi cá nhân tự trị, độc lập với nguồn gốc và trình độ văn hoá, xã hội. Trở thành “công dân thế giới” là biết quan tâm đến những vấn đề toàn nhân loại: nỗ lực cho hoà bình, công lý, sự đối thoại văn hoá, sự bình đẳng giới và bảo vệ thiên nhiên. Giáo dục đại học, vì thế, còn là dạy làm người, độc lập với những lợi ích kinh tế trước mắt.

Hai điều kiện cần: sự tự do học thuật (độc lập kinh tế, độc lập quản trị, tự do chọn lựa và tổ chức việc học, việc nghiên cứu…); kết hợp nghiên cứu và giảng dạy, hướng đến sự thống nhất của tri thức.

“Tự do tuyệt đối” trong học thuật được hiểu theo nghĩa ấy, mặc dù mọi việc trên đời đều… tương đối!

Tất cả phát xuất từ tiền đề: khoa học tự nó có những phương tiện riêng để lớn mạnh; mỗi nghiên cứu mới dẫn đến tri thức mới và đến cái chưa biết. Tự do khoa học là sự phát triển tự thân; nó loại trừ mọi sự can thiệp từ bên ngoài. Quyết định chân lý khoa học bằng những gì bên ngoài nó (tôn giáo, đạo đức, chính trị, chủng tộc…) sẽ dẫn đến cái chết của khoa học. Lý do: tất cả các thế lực ấy đều chỉ tin vào một khẳng quyết duy nhất, trong khi khoa học sẵn sàng làm việc với nhiều giả thuyết khác nhau và không bao giờ tự mãn.

“Universitas” và xã hội tri thức

Thế giới đang chia tay với “xã hội công nghiệp” cổ điển để bước vào “xã hội tri thức”. Ngay cả việc cung ứng nguồn nhân lực cho nền kinh tế cũng đã khác trước: nền đại học hiện đại không chỉ nhằm trang bị một khối lượng thông tin (Einstein: “thông tin không phải là tri thức”) mà chủ yếu là giúp người học tái cấu trúc thông tin để có thể sử dụng và giao lưu với người khác một cách sáng tạo và khác biệt. Bất chấp mọi sức ép, “lý tưởng đại học Humboldt” (tính phổ quát và tính tự do đối thoại của tri thức) không phải đã lỗi thời! Nó tỏ ra còn cần thiết hơn so với thời kỳ công nghiệp hoá.
Nguồn:  Sài Gòn tiếp thị


No comments:

Post a Comment