07-08-2014
Gs Nguyễn Văn Tuấn/ FB Nguyen Tuan
Gs Nguyễn Văn Tuấn ( Ảnh Internet) |
Dĩ nhiên, đối với người Việt chúng ta, “vạch lá tìm sâu” là hàm ý
xấu. Nhưng sống trong thế giới khoa học phương Tây tôi lại thấy họ tập
cho mình thói quen vạch lá tìm sâu. Còn ở VN, vạch lá tìm sâu có một ý
nghĩa rất khác và tiêu cực, nhất là trong khoa học.
Khoa học
luyện tính cẩn thận và phải chú ý vào chi tiết. Làm xong một thí nghiệm,
dù là thí nghiệm trong phòng thí nghiệm hay trong môi trường lâm sàng,
vẫn chưa đủ, mà phải lặp lại thí nghiệm để chắc ăn. Ngay cả khi có kết
quả khá chắc chắn, vẫn phải suy nghĩ đến cách diễn giải khác. Có phải do
ngẫu nhiên? Có phải do yếu tố khác chứ chẳng dính dáng gì đến can thiệp
mình đang áp dụng? Có phải phương pháp đo lường chưa đạt? Hay tại phân
tích sai? Tất cả những yếu tố đó phải được xem xét một cách nghiêm túc
trước khi kết quả được “trình làng”.
Đến khi trình làng thì còn
phải qua một giai đoạn bị săm soi chi tiết, hay nói đúng ra là “vạch lá
tìm sâu”. Bất cứ điểm nào trong hình, bất cứ dữ liệu nào trong biểu đồ
hay bảng số liệu đều có thể có người vặn hỏi và yêu cầu giải thích. Có
người bắt bẽ về phương pháp, có người quan tâm đến kết quả, có người
nhất quyết bảo vệ quan điểm của họ, v.v. Nhưng dù vạch lá tìm sâu, nhưng
tất cả đều diễn ra trong bầu không khí vui vẻ, rất rất hiếm có chuyện
tấn công cá nhân, và cũng rất rất ít ai cố ý phá hoại nghiên cứu; họ góp
ý một cách xây dựng và họ có thẩm quyền.
Ở VN, tôi thấy người
ta bắt bẽ trong hội nghị hay trong các dịp duyệt đơn xin tài trợ thật là
kinh khủng. Sau khi đương sự trình bày xong là đến lượt ý kiến hay “góp
ý”. Nhưng trong thực tế thì tôi chẳng thấy góp ý hay cho ý kiến, mà
thường là những cuộc đua tài của người hỏi. Cũng có khi đó là những cuộc
đấu tố (dù nó chẳng mang màu sắc khoa học) và nạn nhân thường không
được cơ hội trả lời. Dự qua nhiều hội nghị tôi có thể phân loại những
câu hỏi của cửa toạ như sau:
Phê bình chính đáng. Đó là những ý
kiến nghiêm túc, có suy nghĩ về đề tài nghiên cứu, có khi chỉ ra những
sai sót trong phương pháp hay dữ liệu. Cũng có người rất lịch sự khuyến
khích người trình bày bằng những lời khen. Tuy nhiên, những người phê
bình đúng nghĩa như thế này rất hiếm ở VN.
Phê bình để khoe
kiến thức. Đáng lẽ người hỏi chỉ có nhiệm vụ đặt câu hỏi, nhưng trong
thực tế nhiều người không làm vậy, mà họ đứng lên làm một bài giảng để …
khoe kiến thức. Trong tình trạng đó, đương sự chỉ biết chịu trận đứng
nghe và không biết phải nói gì. Phần lớn những người ở dạng này là loại
“cây đa cây đề”, họ ở trong ngành lâu năm, đã nghỉ hưu, không có dịp
nói, nên khi có dịp hỏi họ nói cho thoả thích. Có người say sưa nói đến
10 phút dù thời gian vấn đáp đáng lẽ chỉ 5 phút. Vậy mà ban chủ toạ
không dám nói gì!
Phê bình điểm không liên quan. Rất nhiều lần
tôi chứng kiến những câu hỏi chẳng liên quan gì đến đề tài đang trình
bày. Những người đặt câu hỏi có lẽ nghe không rõ khi người ta trình bày,
nên khi đặt câu hỏi thì … trớt quớt. Trong một bài nói chuyện về tình
hình bệnh nhân loãng xương không được điều trị, một vị trong cử toạ đứng
lên phê bình về chính sách của … Bộ Y tế.
Phê bình cái mình
không biết. Đây là vấn đề khá phổ biến ở VN, có nhiều người thích phê
bình về một đề tài chuyên môn nhưng hình như họ không am hiểu. Có một
lần tôi chứng kiến một chuyên gia được xem là hàng đầu đứng lên phê bình
rằng có đến 1718 gene liên quan đến loãng xương, làm sao biết gene nào
mà nghiên cứu. Thật ra con số 1718 là hoàn toàn bịa đặt! Tôi không ngờ
có người dám bịa đặt như thế, nhưng nghĩ có lẽ vì ông ấy không phải là
người trong ngành nên nói bậy. Một lần khác, có người nói về mô hình
thống kê spline, nhưng chỉ cần 2 câu đầu thì tôi biết ngay người này
chẳng hiểu gì về thống kê, ấy thế mà cũng “làm mưa làm gió” trong hội
thảo!
Chỉ trích cá nhân. Cũng có vài trường hợp người đặt câu
hỏi mang tính chỉ trích cá nhân, có lẽ vì có mâu thuẫn trước đây. Cũng
có trường hợp do khác “trường phái” nên khi trò trình bày thì người của
trường phái kia được dịp lên chỉ trích trò nhưng kì thật là nhắm vào
thầy của trò. Đó là một trò chơi có thể nói là hèn. Hèn, nhưng nó xảy ra
trong các hội nghị ở VN. Rất dễ nhận ra loại phê phán này vì người phê
phán thường rất hậm hực, tức tối, và hay mất bình tĩnh trong cách nói.
Hăng hái cãi về chính tả. Trong vài hội nghị tôi chú ý người ta rất bận
rộn cãi nhau về chính tả. Cách dùng dấu hỏi, dấu ngã, ch và tr, v.v.
được dùng làm đề tài thảo luận làm mất thì giờ của hội thảo. Có người
còn đóng vai trò thầy giáo dạy viết văn, nhưng bản thân “thầy giáo” thì
tôi biết chắc chưa viết được một bài luận văn cho ra hồn.
Trong
nhiều trường hợp, người trình bày chỉ biết chịu trận và “nín thở qua
sông”. Tôi hỏi tại sao không phản đối thì họ nói sợ bị rắc rối về sau,
nên cứ im lặng cho xong. Có người thì do hèn, nên không dám phản bác.
Đối với nghiên cứu sinh, tôi thường khuyên các em rằng chú ý người nào
cố ý đả phá, em vào thư viện tìm luận án của họ, photocopy và đọc cho kĩ
(và sẽ thấy có hàng trăm, hàng ngàn lỗi và sai sót trong đó). Ghi nhận
những lỗi đó, nắm lấy chứng cứ, nhưng chẳng làm gì cả. Tuy nhiên, nếu
đối tượng tiếp tục cố tình gây khó khăn vô lí, thì hãy cứ đem luận án
của chính họ ra hỏi lại họ ngay điểm là họ hỏi mình . Cách này rất đơn giản nhưng rất hiệu lực.
Tôi nghĩ những vấn đề tôi nêu có thể đặt dưới tiêu đề “văn hoá khoa
học”. Có lẽ vì chưa quen với văn hoá khoa học, nên người ta dùng cách
hành xử và những giá trị văn hoá nông nghiệp trong giao tiếp với đồng
nghiệp. Cho đến nay, văn hoá khoa học ở VN đã nhen nhúm hình thành, và
hi vọng trong tương lai người ta sẽ đối xử với nhau tử tế hơn.
No comments:
Post a Comment