Wednesday, 17 February 2016

Tình yêu và Tổ quốc

Coppy từ fb hailongdao
(Viết 1 ngày sau lễ tình nhân 2016)
Trong một status trên FB gần đây về việc nấu ăn cho vợ con, tôi có đề cập đến quan điểm cá nhân rằng mọi tình cảm lâu dài cần được xây dựng trên sự công bằng. Theo tôi, điều này không chỉ đúng đối với bạn bè hay vợ chồng, mà cả cho những quan hệ thiêng liêng khác, như với cha mẹ và Tổ quốc.
Ngay cả giữa cha mẹ và con cái, tình cảm sẽ mai một nếu như không được chăm sóc từ cả hai phía. Đặc biệt là nếu có sự lạm dụng từ một bên, như việc con cái sử dụng cha mẹ như “ôsin cao cấp”, hay cha mẹ can thiệp thô bạo vào cuộc sống riêng tư của con mình, hoặc thiên vị đứa này hơn đứa kia. Có lẽ đây cũng là một vấn đề muôn thuở của xã hội, và mỗi chúng ta dù ít dù nhiều cũng vừa là chủ mưu vừa là nạn nhân của những sự lạm dụng này.
Tuy nhiên bài viết này muốn tập trung vào một mối quan hệ khác cũng rất thiêng liêng, quan hệ với Tổ quốc. Chính sự thiêng liêng đó đã khiến nó thường xuyên bị lạm dụng, để bán hàng, để giành quyền lực, và để gây chiến tranh. Chỉ trong khoảng 100 năm gần đây, rất nhiều những tội ác ghê tởm và phi nhân tính nhất trong lịch sử đều được châm ngòi từ tình yêu Tổ quốc.
Thật ra thì chủ nghĩa quốc gia (và khái niệm đi kèm, Tổ quốc) chỉ mới được giới chính trị Tây pgương hoàn thiện trong thời gian vài trăm năm trước, để dễ kết hợp các vương quốc phong kiến lỏng lẻo của châu Âu. Cùng với sự phát triển của công nghệ in ấn, và hệ quả của nó, sự tuyên truyền cho đại chúng trở nên dễ dàng, chủ nghĩa này đã nhanh chóng phát triển. Với chế độ thực dân, nó đã lan tới các quốc gia thưộc địa, vốn trước đó cũng chỉ có những chế độ chính trị khá sơ khai. Trớ trêu thay, nó đã góp phần làm sụp đổ chế độ thuộc địa, bằng những học trò xuất sắc ở những quốc gia chậm tiến này. Cũng trớ trêu là phần lớn những người đó thường đã nhanh chóng áp dụng vũ khí tinh thần hiện đại này để xây dựng nên những vương quốc mới cho bản thân và các thuộc hạ.
Khi đã phát hiện ra công cụ chính trị hiệu quả như vậy, rất ít các lãnh đạo tự nguyện từ bỏ nó. Cũng có những dân tộc may mắn khi lòng yêu nước được dùng đúng chỗ để phát triển đất nước. Nhưng trong phần lớn trường hợp, chủ nghĩa quốc gia, và lòng yêu nước, tiếp tục bị lạm dụng với những hệ lụy bi thảm như đã đề cập ở trên.
Vì vậy, có lẽ bài học của lịch sử là, nếu như xung quanh bạn đột nhiên vang lên những lời kêu gọi yêu nước, thì việc đầu tiên bạn nên làm là đi vào thư viện và ngồi bình tĩnh đọc vài quyển sách về những sự kiện tương tự. Và cũng có lẽ vì lí do này mà các chế độ tàn bạo nhất thường không bắt đầu thời kỳ cai trị của họ bằng việc giết người, mà bằng việc đốt sách.
Bức ảnh nổi tiếng dưới đây mô tả sự kiện đốt sách dưới sự kích động của đảng Quốc xã (viết tắt của quốc gia xã hội) ở Đức, vào năm 1933. Phần lớn những người tham gia là các sinh viên đại học, bị kích động về viễn cảnh huy hoàng của dân tộc, một tương lai với văn hóa và xã hội “thuần Đức”, không bị vẩn đục bởi những yếu tố ngoại lai hay suy đồi.


Cùng với các mục tiêu hiển nhiên (sách về chủ nghĩa cộng sản, về tính dục học, tác giả nước ngoài) như Marx, Freud,  Hemmingway, Hugo, có rất nhiều tác giả bị đốt vì  tác phẩm của họ đã dám phản ánh sự thật về chiến tranh và chính trị. Như Erich Remarque, tác giả của “Mặt trận phía Tây yên tĩnh”, một cuốn sách bị coi là phản chiến. Có nhiều sách bị đốt vì tác giả là người Do thái, như sách của Stefan Zweig, một tác giả Áo rất nổi tiếng thời đó. Những người Việt thế hệ tôi chắc còn nhớ truyện ngắn  lãng mạn đến đau đớn của ông, “Thư của người đàn bà không quen”, về một mối tình âm thầm và tuyệt vọng của một thiếu nữ trẻ ngây thơ với một nhà văn tầm cỡ vừa vừa. Hay như sách của Heinrich Heine, nhà thơ trữ tình nổi tiếng, cũng là người Do thái.
Những thanh niên đốt sách vào năm 1933, trong vòng 10 năm sau đã hăng hái tham gia vào một bộ máy chiến tranh khổng lồ. Và họ đã không ngần ngại đẩy hàng triệu người Do thái cùng các chủng tộc khác vào lò thiêu, để tạo ra “không gian sống” đầy đủ hơn cho dân tộc Đức. (Những hình ảnh quay trong các trại tập trung Đức ngay sau khi chiến tranh kết thúc đã được dựng thành một bộ phim tài liệu với sự tham gia của đạo diễn nổi tiếng A.Hitchcock. Nhưng cho đến gần đây nó bị giấu kín, một phần vì những hình ảnh quá dã man, một phần vì lí do chính trị).
Và đuơng nhiên cuối cùng thì những hành động điên rồ này đã không chỉ hủy diệt những thanh niên ấy và nạn nhân trực tiếp của họ, mà còn làm tan nát chính đất nước mà họ yêu quí: sau thế chiến 2, nước Đức vĩnh viễn mất hoàn toàn vùng Đông Phổ trù phú, bằng 10% diện tích cả nước,  bị chia cắt làm đôi, hàng triệu dân thường thiệt mạng, một số lượng rất lớn phụ nữ bị hãm hiếp bởi Hồng quân (vết nhơ lịch sử này cũng bị giấu nhẹm rất lâu, vì cả kẻ gây tội lẫn nạn nhân đều có quá nhiều lí do để quên chúng).
Với sự nhậy cảm thường có ở những người lãng mạn thật sự, Heinrich Heine đã tiên đoán chính xác số phận bi thảm của những người đồng chủng tộc với ông. Trong một vở kịch viết vào năm 1820, cả trăm năm trước khi những tác phẩm của ông bị quăng vào lửa, ông viết
“Những kẻ hôm nay đốt sách, cuối cùng sẽ đốt con người”
Có lẽ cần thêm, và chúng sẽ đốt cả Tổ quốc của chúng.

No comments:

Post a Comment