Wednesday, 21 January 2015

Tôi và Thơ



        Cách đây 1 năm  thứ 6 ngày 31/1/2014 tôi post lên trang blog riêng của mình bài đầu tiên cũng là bài thơ đầu tiên của mình.

        Quả thực tôi chưa bao giờ thích thơ cả cũng như tò mò muốn tìm hiểu về nó cả, ngay cả bây giờ khi đã làm khá nhiều bài – loại có thể gọi là thơ? Tại sao tôi lại làm bài thơ đó và sau này cứ thỉnh thoảng lại ra một bài? Tôi thật thà là chưa bao giờ có ý định làm thơ, chưa hề có bao giờ cho đến lúc ấy. Còn đọc thơ thì cho đến bây giờ khi đã tuổi hưu rồi mà có lẽ mới chỉ đọc rất ít, hay là quá ít. Về quyển thơ tôi đã đọc hết (và đôi khi đọc lại) mới chỉ có những quyển thơ sau: Truyện Kiều của Nguyễn Du, Góc sân và khoảng trời của Trần Đăng Khoa, Thơ Hồ Xuân Hương, Thơ Nguyễn Bính, Thơ dịch của Tagore, Thơ dịch của Gamzatov . Mà những quyển này đọc lần cuối có lẽ cũng cách đây đã hai chục năm rồi nhưng tôi nhớ một cảm giác là nếu ta giở bất kì trang nào thì ta cũng có thể tìm cảm xúc từ đó. Còn về một số bài thơ nổi tiếng thì tôi chỉ biết chủ yếu là qua Sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 10 thời xưa, qua những bài hát nổi tiếng được phát trên đài, và tình cờ đọc chúng trên báo hay tạp chí (như báo Văn nghệ hay Tạp chí Văn nghệ quân ̣đội ...thời đó ) khi muốn giết thời gian mà không còn gì khác để đọc như khi đi xếp hàng mua bán thời bao cấp chẳng hạn ...Trong số ấy có những bài hoặc những câu mà tôi thấy thực sự xúc động nhưng tiếc là cũng không gặp nhiều lắm. Chưa bao giờ tôi mua hay đi mượn sách thơ cả (không giống như sự hâm mộ của tôi với các tác phẩm văn xuôi, thật là tệ phải không?). Về các nhà thơ thì cũng có nghe biết một số nhưng thực sự hâm mộ không nhiều lắm, nhưng cũng có chính kiến thấy thơ của người này hay hơn của người kia, hay là thích thơ của người này hơn của người kia. Tuyệt nhiên chưa bao giờ tôi thuộc trọn vẹn bất cứ bài thơ hay bài hát nào kể cả những gì mình viết ra (tôi học thuộc lòng rất kém , vả lại tôi luôn luôn có một cảm xúc lạ là cứ khi nào tôi thuộc lòng một bài hát hay một bài thơ nào trọn vẹn thì ngay sau đó tình cảm với nó sẽ vơi đi rất nhanh).Thời nay có facebook rất tiện nên thỉnh thoảng trên mạng có lưu truyền những bài thơ nổi tiếng của người cũ hay ấn tượng của người mới cho ta biết để đọc. Đôi khi có những bài thật xúc động, muốn khóc. Tôi thích những bài có câu từ giản dị mà sâu sắc, tinh tế.

        Tôi có vô tình đọc một số bài phê bình hay nhận xét về “nạn thơ ca” của nước nhà mà buồn cười quá, cũng chả thấy tổn thương gì sất khi mà vô tình tôi cũng sa vào đó. Tôi chỉ viết thơ vì có nhu cầu muốn bày tỏ nỗi lòng mình, suy nghĩ của mình, cảm xúc bất chợt, nhận xét của mình, quan sát của mình ... thế thôi. Nó nhanh, ngắn gọn và tiện hơn viết văn. (Viết văn theo tôi mới là khó ... tất nhiên làm điều gì hay, giỏi đều không dễ... thơ cũng vậy. Tôi cũng đã từng có ước mơ viết truyện ngắn, he he).Tôi cũng không muốn làm phiền hay quấy rầy ai cả. Tôi làm blog không phải vì muốn phổ biến cho mọi người mà chỉ muốn sử dụng nó như là một công cụ rất tiện lợi để lưu giữ và truy cập những văn bản lưu trữ của mình rất nhanh , hữu ích, không bị thất lạc. Chính vì thế mà tôi cũng không phổ biến blog với ai , hiện chỉ chồng con biết, hì hì . Ai vô tình vào thì vào, không cấm. Blog này giống như tủ sách rất tiện lợi của riêng tôi.

         Chuyện viết thơ của tôi cũng tình cờ thế này. Một bận tôi cùng các bạn cũ chuyện phiếm và đùa nhau trên facebook, chúng tôi làm thơ tếu trêu nhau. Thế rồi sau đó chẳng hiểu sao trong những ngày giáp tết ta – tết con ngựa - khó ngủ tự dưng trong tôi có rất nhiều cảm xúc dồn dập. Một sáng tinh mơ tự dưng trong đầu tôi cứ như có khúc nhạc nhịp điệu của ngựa phi và các con chữ ấy. Thế là tôi viết ra, gần như chẳng sửa gì. Sau đấy thì các bài khác cũng tương tự. Khi các kỉ niệm của ngày xưa tràn về, khi gặp phải một sự kiện gì đó, khi trao đổi câu chuyện với ai đó, khi tình cờ nhìn thấy một cảnh tượng gì đó, nhất là khi phải chứng kiến chuyện xung đột giữa những người mà tôi biết... có điều gì đó gây ấn tượng thì bỗng dưng muốn tóm tắt cảm xúc thành thơ. Quả thật rất nhanh và tiện, hơn viết thành văn. Chuyện thơ của tôi chỉ có thế. Tôi cũng không tò mò về thơ của người khác. Có lần tôi đọc thấy người viết phê phán về các nhà thơ/người làm thơ ở Việt nam . (Tôi chưa bao giờ, dù chỉ là trong suy nghĩ, cho mình là nhà thơ cả đấy nhé). Đại loại rằng họ đi đâu cũng đọc thơ, gieo rắc thơ, làm phiền người khác bằng thơ, mà ở Việt nam thì “ra ngõ gặp nhà thơ” “người người làm thơ, nhà nhà làm thơ” “bội thực vì thơ” “ai cũng cho thơ mình là nhất”... nhưng  chẳng chịu bao giờ đọc thơ của ai. Thế là tôi cũng lên mạng search thử thêm một số nhà thơ cũ và mới rồi đọc bài của họ. Đọc xong tôi chẳng có cảm xúc gì nhiều cả và cũng chẳng còn nhớ gì cả nên thôi luôn. Chắc là tôi không đủ cảm xúc, không đủ kinh nghiệm để rung động. Tôi tự nhủ thôi cứ để như hồi xưa, để tự nhiên cho bài thơ nào đó, câu thơ nào đó tình cờ đến với mình, khiến mình xúc động, khiến dư âm của nó còn mãi. Và tôi cũng không có ảo tưởng về thơ của mình. Nhưng tôi vẫn muốn viết chỉ để thỏa mãn mong muốn viết ra những vấn đề mà mình quan tâm , thế thôi.

         Tôi đọc báo thấy dạo này người ta hay bình luận người này người kia nhái đạo nhạc, văn ...của người khác, rồi ăn cắp ý tưởng ...Thời buổi nhiễu nhương này khi luật pháp không rõ ràng nghiêm minh, đạo đức xuống cấp thì chuyện gì cũng có thể. Chuyện ăn cắp từng đoạn hay thậm chí cả bài thì rõ rồi. Nhưng cũng có khi vô tình người ta giống nhau về ý tưởng thì sao nhỉ? Ngay cả trong toán học, vật lý cũng có những định lý mà thuộc về hai người riêng rẽ phát minh hay chứng minh ra, thế thì tại sao các ý tưởng về cuộc sống này lại đôi khi không thể có sự trùng lặp? Nhưng chỉ là ý tưởng thôi đấy nhé, đại để như cốt truyện và triết lí của nó. Còn như khi đã giống từ ý tưởng đến cả chi tiết miêu tả, nhịp điệu, bố cục và độ dài ngắn...thì không còn là chỉ có ý tưởng nữa. Có điều bây giờ là thời của công nghệ truyền thông, và thêm vào môi trường xã hội suy, luật như không có....chuyện đạo của nhau quá dễ nên chuyện trùng lặp ý tưởng cũng khó mà chứng minh. Nhưng người tử tế thì nên cư xử ra sao, cho vừa có lí vừa có tình?

         Bản thân tôi cũng thỉnh thoảng bất chợt lấy cảm hứng, dư âm từ một ý tứ nào đó trong một câu văn nào đó của một bài báo, hay một câu chuyện, hay bài hát, hay bức ảnh, bức tranh khi thấy có cảm xúc đồng điệu rồi phát triển nó lên, mở rộng nó ra... nhất là từ những bản nhạc không lời...mà nó gợi lại cho mình những cảm xúc đã qua, những kỉ niệm đã qua...,những kinh nghiệm từng trải từng chứng kiến của chính bản thân. Nhưng cảm hứng đó nhất thiết phải trùng với cái riêng của tôi, phải là sự rung động của riêng tôi, đi tới cái triết lí của riêng tôi thì tôi mới có thể viết ra được. Và khi đó tôi thường cho "nó" vào trong ngoặc kép để thông báo về cái "dư âm" ấy nếu có thể được.

          Chuyện chỉ có vậy.





No comments:

Post a Comment