Tuesday, 25 November 2014

Người Việt ưa nịnh, thích 'dìm': Tác hại đến đâu?

Copy từ Tuần VN net
"Với một truyền thống văn hóa "ưa được nịnh", "thích được khen", nhưng lại sợ phê bình và tự phê bình đến như thế, nếu không tự thay đổi từ gốc rễ mà cứ đòi hỏi tiến bộ, đòi hỏi "văn hóa từ chức"..., thì vẫn chỉ là mơ mộng mà thôi!" - GS-TSKH Trần Ngọc Thêm.
 LTS: Vừa qua, "Đại tướng quân Hai lúa" trở thành đề tài được bàn luận sôi nổi. Mặc dù đây chỉ là một câu chuyện nhỏ, nhưng từ đó đã gợi ra rất nhiều điều khiến chúng ta suy ngẫm, liên quan đến việc vì sao những sáng tạo, thay đổi, cải cách của VN vẫn còn gặp nhiều rào cản và chậm bước so với đòi hỏi của thời đại.Chẳng hạn, so với các quốc gia láng giềng trong khối ASEAN, như Myanmar, Campuchia, Lào, thì Việt Nam đổi mới sớm nhất. Nhưng sau cú đột phá ngoạn mục vào năm 1986, chúng ta lại rơi vào trì trệ, hiện nay nhiều người đã cảnh báo về nguy cơ tụt hậu...
Nguyên nhân văn hóa căn cốt ẩn sau những vấn đề ấy chính là chủ đề của cuộc trò chuyện của Tuần Việt Nam với GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, Viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học tự nhiên Nga, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng Trường Đại học KHXH&NV thuộc ĐHQG-HCM. Những câu trả lời của ông xoay quanh một lý giải được ông khái niệm hóa là "Văn hóa âm tính".

"Biến đổi từ từ"
Thưa Giáo sư, là người có nhiều năm nghiên cứu văn hóa VN, xin ông đưa ra một nhận định tương đối khái quát vì sao những thay đổi của chúng ta thường diễn ra khó khăn và chậm hơn so với đòi hỏi bức thiết của thực tế?
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Tôi đã có quá trình nghiên cứu khá lâu về câu hỏi nhức nhối này và đi đến kết luận rằng: "Văn hóa VN có đặc điểm là biến đổi từ từ, không có đột biến, trừ trường hợp có ảnh hưởng hay tác động có yếu tố bên ngoài như cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 hay công cuộc Đổi mới năm 1986". Giờ tôi xin nhắc lại để trả lời cho câu hỏi của anh.
Xuất phát từ đâu VN lại có đặc điểm văn hóa như vậy, thưa ông?
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Năng lực hành động và năng lực tư duy bắt đầu từ văn hóa. Nói cách khác, văn hóa là cái gốc rễ của dân tộc. Phải hiểu sâu hơn về cội nguồn gốc rễ đó thì mới lý giải được mọi chuyện, mọi vấn đề đặt ra, mọi vấn nạn mà chúng ta đang thấy.
Theo phân loại của tôi, nền văn hóa Việt Nam của chúng ta thuộc loại âm tính, mang những đặc trưng khác hẳn những nền văn hóa dương tính. Văn hóa âm tính giống như tính cách của người đàn bà, thích sự ổn định và luôn hướng tới sự ổn định, rất ngại mọi sự thay đổi. Văn hóa dương tính thì ngược lại, giống tính cách người đàn ông, mạnh mẽ, quyết liệt, hay thay đổi, ghét sự trì trệ, nhàm chán, v.v.
Khi nghiên cứu chúng ta tách ra chứ kỳ thực trong mỗi sự vật, hiện tượng, con người... đều có phần âm và phần dương, cái khác nhau là ở chỗ mặt nào trội hơn mà thôi.
Điều kiện tự nhiên là nguồn gốc của văn hóa. Thiên nhiên khác nhau thì kinh tế cũng sẽ khác nhau, từ đó văn hóa ắt cũng sẽ khác nhau. Các dân tộc có truyền thống mưu sinh bằng nông nghiệp trồng trọt là âm tính; trong đó nông nghiệp lúa nước thuộc loại âm tính nhất. Các dân tộc sống bằng chăn nuôi, du mục thuộc loại dương tính.
Trên thế giới mênh mông này chỉ có Đông Nam Á là cái nôi của nền nông nghiệp lúa nước. Trồng trọt phụ thuộc vào thiên nhiên nhiều hơn chăn nuôi, trồng lúa nước thì mức độ phụ thuộc cao nhất. Sự phụ thuộc khiến người ta trở nên thụ động. Và cũng chính vì vậy mà nơi này có nền văn hóa âm tính nhất.
Đông Bắc Á và phương Tây là những vùng đồng cỏ, thảo nguyên mênh mông, con người thời cổ sống bằng kinh tế du mục, khiến con người phải luôn phải rong ruổi, di chuyển. Điều này tác động đến lối suy nghĩ, dần dần hình thành kiểu văn hóa dương tính, đối lập với văn hóa âm tính của chúng ta.
Văn hóa Việt - Trung: Giống nhau chỉ trên bề mặt
Nhiều công trình nghiên cứu trong và ngoài nước khẳng định văn hóa VN chịu ảnh hưởng rất sâu rộng bởi nền văn minh Trung Hoa, yếu tố cùng thể chế cũng chi phối sự ảnh hưởng này. Quan điểm của ông ra sao?
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Nhìn bề ngoài thì đúng là như thế, nhưng nếu chỉ dừng ở cảm nhận bề ngoài thì ta sẽ chỉ có được những nhận xét cảm tính, phiến diện rất đáng tiếc vì không đi vào bản chất gốc của sự việc! Văn hóa luôn là "mục tiêu, động lực và nền tảng của sự phát triển" cho nên dù có sự tương đồng về thể chế thì VN và TQ vẫn khác nhau rất nhiều.
Trên cơ sở nghiên cứu tài liệu, cũng như qua quan sát thực địa tại nhiều địa phương khác nhau của TQ, tôi thấy rất rõ rằng những sự giống nhau tuy nhiều nhưng thuộc về tầng mặt, trong khi những sự khác nhau thì nằm ở tầng sâu, rất căn bản.
Một bên là văn hóa âm tính điển hình như VN, một bên là loại hình văn hóa trung gian "vừa có âm vừa có dương" và có những giai đoạn mặt dương có phần trội hơn như TQ thì làm sao giống nhau hoàn toàn được. Chỉ có thể có những ảnh hưởng do tiếp xúc giao thoa, còn do có cái gốc nền rất khác nhau nên bản chất cũng khác nhau.
Tính trung gian này của văn hóa TQ thể hiện rất rõ trong lĩnh vực tổ chức xã hội. Trong khi xã hội phương Tây luôn biến động nên coi trọng cá nhân, Đông Nam Á ưa ổn định, ít biến động nên coi trọng làng xã thì Đông Bắc Á ở giữa, coi trọng gia đình.
Cụ thể là thế nào, thưa giáo sư?
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Văn hóa âm tính xuất phát từ nông nghiệp lúa nước nên có sức mạnh tập thể rất cao. Chính nhu cầu thu hoạch mùa màng, bảo vệ cuộc sống đã buộc mọi người phải chung tay, phải có mối liên kết ràng buộc chặt chẽ.
Tương tự như vậy, khi có ngoại xâm là bị đẩy vào thế cùng, sức mạnh tập thể của văn hóa âm tính, sức mạnh làng xã sẽ trỗi lên chống lại. Lúc ấy cả nước như một.
Đặc trưng rõ nhất của văn hóa VN là vai trò cao của cộng đồng làng xã - đơn vị tế bào của xã hội Việt Nam. Từ làng ra đến nước, tạo nên mô hình Làng - Nước. Trong suốt chiều dài của lịch sử, TQ đô hộ ta cả ngàn năm, đánh chiếm ta bao nhiêu lần mà ta không mất nước là nhờ việc cái gốc văn hóa Việt nằm ở làng chứ không phải ở đô thị.
Quan quân TQ cai trị chỉ có thể đưa đến ở các đô thị chứ không thể kiểm soát hết nông thôn, nên không thể tiêu diệt hay đồng hóa được văn hóa Việt. Và do văn hóa làng quá mạnh nên cứ mỗi khi quân xâm lược rút đi thì văn hóa làng lại tấn công trở lại đô thị, kéo đô thị trở về với văn hóa làng. Đây là đặc trưng rất Việt, khác biệt với nhiều quốc gia khác có nền văn hóa thiên về dương tính mà tại đó, đô thị luôn có lực hút kéo nông thôn biến đổi theo thành thị.
Trong những cuộc đối đầu với các cuộc xâm lăng, chất âm tính mạnh của văn hóa làng xã ấy đã phát huy tác dụng, giúp cho VN dù có trải qua hàng ngàn năm lệ thuộc cũng không bị ảnh hưởng của đô thị lôi kéo, kết quả là không bị văn hóa ngoại bang đồng hóa.
Trong khi đó, trong văn hóa TQ và các nước Đông Bắc Á, do làm nông nghiệp lúa cạn, trồng kê mạch, không cần liên kết lớn ở quy mô làng xã nên đơn vị cơ bản của xã hội là gia đình. Từ gia đình (nhà) ra đến nước, tạo nên mô hình Quốc gia - Nhà nước.
Đặc trưng của gia đình là tôn ti trật tự, có trên có dưới. Ra xã hội cũng vậy, "trên bảo thì dưới phải nghe" là nguyên tắc tối thượng. Nó khác với VN ta ngày xưa là "phép vua thua lệ làng", hay ngày nay là hiện tượng "trên bảo dưới không nghe", "thủ kho to hơn thủ trưởng", v.v...
Bởi vậy mà trong văn hóa TQ, ý chí luận rất mạnh. Họ có thể làm được những việc "kinh thiên động địa" như xây Vạn lý Trường thành thời Tần Thủy Hoàng, hay "chiến dịch diệt chim sẻ" vào những năm 1958-1962 khiến cho sau đó châu chấu tràn ngập phá nát mùa màng và kéo theo nạn đói lớn làm cho nhiều người chết đói.
Văn hóa TQ hướng đến cái tuyệt đối, cực đoan kiểu "đội đá vá trời", "Ngu Công dời núi", "Tinh Vệ lấp biển", "toàn dân làm gang thép", "toàn dân diệt chim sẻ". Trong khi văn hóa VN do thiên về âm tính nên hướng đến sự dung hòa theo triết lý âm dương. Theo đó, làm cái gì cũng hướng tới mục tiêu "vừa phải", không thấp quá nhưng cũng đừng cao quá, "trông lên thì chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình".

Tư duy "vừa phải", ưa khen ngợi
Đứng từ góc độ này thì có thể thấy hai nền văn hóa rất khác nhau về bản chất. Vậy tư duy "vừa phải" mà ông vừa nói tác động đến ta thế nào - trong tính cách cá nhân, cộng đồng, xã hội...?
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Tư duy "vừa phải" là đặc điểm cố hữu của người nông dân Việt. Thấy ai khó khăn thì mọi người xung quanh xúm lại giúp cho vươn lên, đó là mặt tốt đẹp. Nhưng ngược lại, nếu thấy có ai vươn lên cao hơn thì mọi người cũng thường xúm lại, cùng nhau kéo xuống, để về sau không ai còn dám nghĩ đến chuyện nổi trội lên nữa!
Ở VN ta, những người tài giỏi xuất sắc trong một cơ hay bị dèm pha, đố kỵ. Mà ở đời thì anh nào giỏi, làm nhiều thì hay có sai nhiều. Do "ghen ăn tức ở" (hiện nay lớp trẻ gọi tắt là thói GATO) và tâm lý muốn giữ lấy cái sự ổn định, bình yên cho mình mà người ta sẽ săm soi, bới móc thổi phồng, biến cái lỗi nhỏ thành to, thậm chí đặt điều nói không thành có.
Khi cả tập thể đã xúm vào "trị" anh giỏi mà lãnh đạo lại non tay thì ông ta sẽ không bảo vệ người giỏi nữa và ngả theo số đông. Đó là một lý do lớn khiến nhiều người phải từ bỏ môi trường nhà nước, hoặc thậm chí ra nước ngoài tìm đất phát triển khả năng.
Với tư duy "vừa phải" như thế, ở VN không thể có những công trình vĩ đại như Vạn lý Trường thành, Kim tự tháp hay Angkor. Những cái kỳ vĩ đó chỉ có thể là sản phẩm của lối tư duy tuyệt đối theo kiểu văn hóa dương tính, đối lập với tư duy "vừa phải" của ta.
Mặt khác, văn hóa âm tính giống như người phụ nữ, thường chỉ thích nghe và tin là thật những lời khen nịnh. Vì vậy mà người VN ta thường không thích bị chê, kiểu "Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại", "Đừng vạch áo cho người xem lưng". Có ai đụng đến khuyết tật gì của mình là lập tức thanh minh thanh nga, tìm cách trốn tội, "đá quả bóng sang chân người khác".
Cả hệ thống quản lý nếu không tỉnh táo, sáng suốt, thì cũng bị nền văn hóa âm tính này chi phối và phạm phải những quyết định sai lầm.
Chẳng hạn, mấy năm qua có một tổ chức quốc tế thường khảo sát các giá trị ở các quốc gia qua thăm dò dư luận. Khi họ công bố kết quả rằng VN là đất nước có chỉ số hạnh phúc cao vào loại gần nhất thế giới thì chỗ nào cũng phấn khởi đưa tin, lên tiếng phụ họa. Nhưng khi cũng chính tổ chức này công bố kết quả rằng ngành nọ ngành kia của Việt Nam do tham nhũng, đút lót nhiều mà có chỉ số hài lòng thấp thì ngay lập tức, tổ chức đó bị phản ứng.
Với một truyền thống văn hóa "ưa được nịnh", "thích được khen", nhưng lại sợ phê bình và tự phê bình đến như thế, nếu không tự thay đổi từ gốc rễ mà cứ đòi hỏi tiến bộ, đòi hỏi "văn hóa từ chức"..., thì vẫn chỉ là mơ mộng mà thôi!
Liệu có "liều thuốc" nào giải được văn hóa âm tính? Mời độc giả theo dõi câu trả lời của GS. Trần Ngọc Thêm trong Phần 2 của bài phỏng vấn.
Duy Chiến (thực hiện)

Saturday, 22 November 2014

Kiêu hãnh và định kiến, Chương 20


        Anh Collins không bị bỏ lại lâu để im lặng suy ngẫm về mối tình đơm hoa kết trái của mình, vì bà Bennet đang quanh quẩn ngoài tiền sảnh để theo dõi kết cục của cuộc trao đổi đã bước vào phòng ăn sáng ngay sau khi nhìn thấy Elizabeth mở cửa rồi bước nhanh qua bà về phía cầu thang. Bà chúc mừng cả hai, anh ta và chính bà, với lời lẽ ấm áp về một viễn cảnh hạnh phúc của mối quan hệ gần gũi hơn giữa họ. Anh Collins đón nhận và đáp lại những lời chúc này với sự hài lòng không kém, rồi tiếp tục thuật lại những nét chính của cuộc gặp gỡ. Anh thực sự tin vào kết quả của nó mà anh có đủ mọi lí do để thoả mãn, vì sự từ chối dứt khoát của cô em họ với anh có lẽ chỉ là tự nhiên, do tính bẽn lẽn khiêm nhường của cô ấy và sự tế nhị chân chất trong tính cách của cô ấy. 
               
        Tin tức này làm bà Bennet hốt hoảng. Bà chắc sẽ vui sướng cũng như thỏa mãn nếu con gái bà có ý khuyến khích anh ta bày tỏ lời cầu hôn của mình lần nữa, nhưng bà không dám tin vào điều đó, và bà không đừng được phải nói ra.

       “Nhưng theo như điều đó, anh Collins này,” - bà thêm vào –“ Lizzy chắc sẽ nói lí do. Tôi sẽ trực tiếp bảo con bé. Con bé ấy rất ngốc nghếch và cứng đầu lại còn không biết thân phận của mình, nhưng tôi sẽ cho nó thấy.”

      “Tha lỗi cho tôi vì đã cắt ngang bà, thưa phu nhân,” - anh Collins kêu lên – “nhưng nếu cô ấy thực sự ngốc nghếch và cứng đầu, tôi không biết cô ấy liệu có phải là một người vợ đáng mong ước cho một người đàn ông như tôi hay không, khi mà tôi cố nhiên trông đợi một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Nếu cô ấy thực sự khăng khăng từ chối lời cầu hôn của tôi , có lẽ tốt hơn hết là đừng ép cô ấy phải lấy tôi, bởi vì nếu như những khuyết điểm của tính cách như thế mà bộc lộ ra thì cô ấy chắc không thể giúp cho tôi có được hạnh phúc."

     “Thưa ngài, ngài đã hiều nhầm tôi.” – bà Bennet nói, đầy cảnh giác –“ Lizzy chỉ cứng đầu trong những chuyện như thế này. Trong các việc khác nó vẫn là con bé ngoan ngoãn. Tôi sẽ trực tiếp đi gặp ông Bennet. Và chúng tôi sẽ sớm dàn xếp chuyện này với con bé, tôi chắc thế.”
               
      Bà chắc đã không cho anh ta thời giờ để đáp lại mà vội vã đi ngay đến chỗ chồng. Bà gọi to khi bước vào thư viện “Ôi, ông Bennet, tôi cần ông ngay đây. Chúng tôi đang sôi sục lên đây. Ông phải bắt con Lizzy cưới anh Collins đi, vì con bé ấy có thể  không muốn anh ta, và ông không khẩn trương lên thì anh ta sẽ đổi ý và không muốn nó nữa.”
               
       Ông Bennet ngẩng đầu lên khỏi quyển sách của mình khi bà bước vào và nhìn bà với vẻ bình thản không quan tâm mà cũng không thay đổi tẹo nào bởi lời bà nói.

      "Tôi chẳng hiểu bà,” - ông nói, khi bà kết thúc bài phát biểu của mình – “cũng không hiểu cái bà đang nói.”

      “Về anh Collins và con Lizzy. Lizzy tuyên bố là nó không muốn anh Collins, còn anh Collins bắt đầu nói sẽ không muốn Lizzy.

       “Thế tôi phải làm gì trong trường hợp này? Chuyện đó dường như là việc vô vọng.”

        “ Chính ông phải nói với Lizzy về chuyện đó. Bảo nó rằng ông dứt khoát muốn nó cưới anh ta.”

        “ Cho gọi con bé vào. Nó sẽ được nghe ý kiến của tôi.
               
        Bà Bennet rung chuông, và Elizabeth được gọi vào thư viện.

       “Đến đây, con, - cha cô kêu lên khi cô xuất hiện – Cha cho gọi con đến vì một việc quan trọng. Cha được biết rằng anh Collins đã đề nghị được cưới con. Có đúng không? – Elzabeth đáp rằng đúng. –   “Rất tốt , và con đã từ chối lời đề nghị này?

       “ Con đã, thưa ngài.”

       “Rất tốt. Bây giờ chúng ta đi đến kết luận. Mẹ con khăng khăng buộc con chấp nhận nó. Có đúng thế không, bà Bennet?”

        “ Đúng, nếu không tôi sẽ không bao giờ thèm nhìn mặt nó nữa.”

        “Trước mắt con là một sự lựa chọn bất hạnh, Elizabeth. Kể từ ngày hôm nay con sẽ là một người xa lạ đối với cha hoặc mẹ của con. Mẹ con sẽ không bao giờ nhìn mặt con nữa nêú con không cưới anh Collins, và cha sẽ không bao giờ nhìn mặt con nữa nếu con cưới anh ta.”
                 
       Elizabeth không khỏi mỉm cười với cái kết luận như thế trong một cái mở đầu như thế. Còn bà Bennet vốn tin rằng chồng bà sẽ xử lí chuyện này như bà muốn thì tỏ ra thất vọng quá mức.

       “Ông có ý gì thế khi nói như thế, ông Bennet? Ông hứa với tôi dứt khoát buộc con bé cưới anh ta cơ mà.

       “Này bà thân yêu” - chồng bà đáp – “Tôi có yêu cầu hai đặc ân nho nhỏ. Thứ nhất là bà cho phép tôi được tự do sử dụng sự hiểu biết của mình trong trường hợp này, thứ hai là được tự do sử dụng phòng này. Tôi sẽ rất sung sướng có được thư viện này cho riêng mình càng sớm càng tốt.”
               
      Mặc dù thất vọng về chồng mình, nhưng bà vẫn chưa từ bỏ ý định đó. Bà nói đi nói lại với Elizabeth, hết dỗ ngon dỗ ngọt rồi lại đe dọa cô. Bà cố gắng giữ Jane trong vòng ảnh hưởng của bà , nhưng Jane với tất cả sự dịu dàng có thể đã từ chối can thiệp. Còn Elizabeth lúc thì nghiêm chỉnh thành thực, lúc thì vui vẻ đùa cợt đáp lại sự tấn công của bà. Mặc dù cách cư xử của cô lúc thế này thế khác nhưng sự kiên định của cô không bao giờ thay đổi.
                 
       Anh Collins trong khi đó, đang trầm tư suy nghĩ trong nỗi cô đơn về chuyện đã xảy ra. Anh đánh giá quá cao về bản thân, nên không thể hiểu nổi động cơ nào đã khiến cho cô em họ của mình lại từ chối. Tuy niềm tự hào của anh cũng bị tổn thương, nhưng anh cũng không đau khổ vì những chuyện khác. Tình cảm của anh với cô chỉ là trong trí tưởng tượng, và khả năng cô đáng bị mẹ trách mắng đã ngăn cho anh cảm thấy còn có chút hối tiếc nào.
               
       Trong lúc cả gia đình còn đang rối bời , Charlotte Lucas đến ở vài ngày với họ. Cô gặp Lydia ở ngoài tiền sảnh. Lydia chạy bổ đến cô và kêu lên nửa như thầm thì “Em rất vui vì chị đã đến, vì có chuyện thú vị ở đây! Chị có nghĩ điều gì đã xảy ra sáng nay không? Anh Collis đã ngỏ lời với chị Lizzy nhưng chị ấy không muốn anh ấy.”
               
       Charlotte không có thời gian để trả lời trước khi Kitty cũng chạy đến, để kể cùng một câu chuyện và tham gia vào nhóm. Ngay vừa lúc họ bước vào phòng ăn sáng nơi bà Bennet ngồi một mình ở đó, bà bắt đầu chủ đề đó cũng hệt như vậy. Bà kêu gọi sự cảm thông của cô Lucas và khẩn khoản xin cô hãy thuyết phục cô bạn Lizzy của mình chiều theo ý muốn của cả gia đình. “ Lạy chúa, cô Lucas thân yêu,” bà thêm vào với giọng rầu rĩ “ vì không ai ủng hộ tôi, không ai về phe tôi. Tôi bị đối xử tàn nhẫn, không ai thương xót cho thần kinh đáng thương của tôi.”
               
        Chartllote được miễn thứ đáp lại vì Jane và Elizabeth bước vào.

       “Ái chà, cô ấy đến rồi đây,” - bà Bennet tiếp tục – “trông chẳng thèm để ý và chẳng thèm quan tâm gì đến chúng tôi, cứ như thể chúng tôi đang ở Yorke ( một vùng rất xa ở phía bắc England ND), miễn là cô ấy được tự làm theo ý mình. Nhưng tôi nói cho cô biết, cô Lizzy, nếu cô còn cứ giữ cái ý nghĩ đó trong đầu để mà tiếp tục từ chối mọi lời cầu hôn theo kiểu này, thì cô sẽ chẳng bao giờ lấy được chồng. Tôi chắc chắn thế. Tôi không biết ai sẽ chăm nom cô khi bố cô qua đời, tôi không thể cứ giữ cô, vì vậy tôi cảnh cáo cô. Kể từ ngày hôm nay tôi không còn dính dáng đến cô nữa. Tôi đã nói với cô trong thư viện, cô biết đấy, rằng tôi sẽ không thèm nói với cô nữa, và cô sẽ thấy tôi giữ lời. Tôi không muốn nói chuyện với đứa con vô trách nhiệm. Sự thực không phải là tôi muốn nói chuyện với bất cứ ai. Những người mà phải chịu khổ từ căn bệnh thần kinh như tôi đây có xu hướng là không thích nói nhiều. Không ai có thể biết tôi đã khổ sở thế nào! Nhưng sự đời luôn là thế. Những người không phàn nàn thì không bao giờ được thông cảm.”
              
        Các cô con gái bà im lặng lắng nghe bà kể lể, biết rằng bất kì một cố gắng nào để giải thích hay xoa dịu bà đều chỉ làm tăng thêm sự tức giận. Vì thế mà bà cứ tiếp tục nói, không có ai dám xen vào cho đến khi anh Collins bước vào với vẻ trịnh trọng hơn lệ thường. Khi nhìn thấy anh, bà nói với các cô gái “Bây giờ tôi dứt khoát với điều này, rằng các cô, tất cả các cô hãy ngậm miệng để anh Collins và tôi nói chuyện với nhau một lát.”
                 
       Elizabeth im lặng đi ra ngoài, Jane và Kitty theo sau, nhưng Lydia cứ đứng yên tại chỗ, nhất quyết muốn nghe tất cả. Còn Charllote lưu lại trước tiên là do anh Collins lịch thiệp hỏi thăm cô và toàn thể gia đình vào chính lúc đó, sau nữa là do có chút tò mò mà cô muốn được thỏa mãn, nên cô đi về phía cửa sổ và giả vờ không nghe thấy. Bằng một giọng ai oán bà Bennet bắt đầu cuộc trò chuyện đã được dự kiến “Ôi, anh Collins!”

      “Thưa phu nhân kính mến, - anh đáp – chúng ta hãy im lặng về chuyện này.  – chẳng bao lâu anh lại tiếp tục với cái giọng đầy bất mãn – Tôi không bực mình vì cách cư xử của con gái bà. Chịu đựng những điều tối tệ là bổn phận của tất cả chúng ta, là bổn phận đặc biệt của của một thanh niên có may mắn vì sớm thành đạt như tôi . Và tôi thực sự tin rằng tôi có thể nhẫn nhục chịu đựng. *Có lẽ cảm giác nghi ngờ về hạnh phúc thực sự của tôi có bớt đi thì cũng không thể khiến cô em họ của tôi  ban cho tôi vinh hạnh được cưới cô, và tôi quan sát thấy rằng, sự đau khổ không bao giờ là trọn vẹn, một khi việc đem lại hạnh phúc mà bị từ chối bắt đầu mất đi một chút giá trị của nó theo sự đánh giá của chúng ta.  Tôi hi vọng bà sẽ không cho rằng tôi đã tỏ ra có bất kính nào đối với gia đình bà , thưa phu nhân quí mến, vì đã rút lại kì vọng của mình đối với đặc ân của con gái bà mà không ủng hộ bà và ông Bennet về việc yêu cầu bà dùng quyền hạn của mình can thiệp vào thay cho tôi. Tôi sợ rằng thái độ của mình có lẽ gây khó chịu vì đã chấp nhận sự xua đuổi từ miệng của cô ấy chứ không nghe lời bà . Nhưng tất cả chúng ta đều có thể mắc lỗi lầm. Tôi chắc chắn đã có ý tốt trong toàn bộ chuyện này. Mục đích của tôi là tìm kiếm một người bạn đời đáng yêu cho mình cùng với sự cân nhắc cần thiết vì lợi ích của cả gia đình bà , nếu cách cư xử của tôi là hoàn toàn đáng trách thì tôi đến đây để xin bà thứ lỗi.


 ND: *Cách nói bóng bẩy đó có thể hiểu là : Việc tôi có cho rằng hay không cho rằng cô ấy sẽ mang lại hạnh phúc cho tôi thì cũng không làm thay đổi được việc cô ấy không muốn lấy tôi, và việc tôi mang hạnh phúc đến cho cô ấy mà cô ấy lại từ chối thì đã làm nó mất đi giá trị cho nên tôi cũng không thấy đau khổ.




Kiêu hãnh và định kiến, Chương 19


          Ngày hôm sau mở ra một cảnh tượng mới ở Longbourn. Anh Collins  chính thức tỏ tình. Vì quyết định làm việc đó mà không cần tốn nhiều thời gian, do kì phép của anh chỉ kéo dài đến thứ bảy tới , và vì không có cái cảm giác thiếu tự tin khiến cho mình phải đau khổ vào lúc đó, anh đã sắp đặt nó theo một cách rất tuần tự, với tất cả những tuân thủ mà anh cho là một phần của công việc theo lệ thường. Khi thấy bà Bennet, Elizabeth và một trong các cô em gái đang ngồi với nhau, ngay sau bữa điểm tâm, anh nói với bà mẹ như sau “Tôi có thể hi vọng, thưa bà, vì quyền hạn của bà với cô con gái Elizabeth xinh đẹp, khẩn khoản xin bà cho phép tôi được vinh dự tiếp kiến riêng với cô nhà trong sáng nay không?”
                 
        Trước khi Elizabeth có thời giờ để làm bất cứ điều gì ngoài việc đỏ bừng mặt vì bất ngờ thì bà Bennet đã trả lời ngay tắp lự “Ôi, chàng trai thân mến! Vâng ...chắc chắn rồi. Tôi chắc Lizzy sẽ rất hạnh phúc...Tôi chắc con bé không thể từ chối. Nào Kitty, mẹ muốn con lên gác”. Và thu gọn các thứ của mình xong bà vội vàng bỏ đi. Elizabeth gọi với theo:

       “Xin mẹ đừng đi. Con xin mẹ đừng đi. Xin anh Collins thứ lỗi. Anh ấy chắc chẳng có gì để nói với con mà mọi người không cần phải nghe. Con đi đây.

      “Không, không , đừng có vô lí thế Lizzy. Mẹ muốn con cứ ở nguyên chỗ đó.” – Và khi thấy Elizabeth với vẻ bực mình và bối rối dường như chuẩn bị trốn đi, bà thêm vào –“ Lizzy, mẹ kiên quyết muốn con ở đó và nghe anh Collins nói.”
              
         Elizabeth không thể chống lại một cái lệnh phán của tòa như thế . Một thoáng suy tính khiến cô nhận ra rằng điều khôn ngoan nhất là giải quyết nó càng nhanh và càng êm thấm thì càng tốt. Cô lại ngồi xuống, cố gắng dấu đi cái cảm giác bị xâu xé dở khóc dở cười bởi cái công việc không đừng được này. Bà Bennet và Kitty đi khỏi. Anh Collins bắt đầu ngay lúc đó.

        “Hãy tin tôi, cô Elizabeth yêu quí, sự khiêm nhường của cô không những không làm thiệt hại cho cô mà còn bổ sung thêm vào những sự hoàn hảo khác của cô. Trong mắt tôi, cô chắc sẽ ít đáng yêu hơn nếu cô đã không tỏ ra chút ít ngại ngần. Cho phép tôi đảm bảo với cô rằng tôi đã được phép của người mẹ kính yêu của cô để nói chuyện này với cô. Cô có thể không chút nghi ngờ gì ý định của lời phát biểu này của tôi nhưng bản tính tế nhị bẩm sinh của cô đã khiến cô che dấu nó, còn ý định của tôi là quá rõ ràng không thể nhầm lẫn được. Gần như ngay sau khi bước chân vào ngôi nhà này, tôi đã chọn lựa cô như là người đồng hành trong cuộc sống tương lai của mình. Nhưng trước khi tôi không kiềm chế được tình cảm của mình về chủ đề này, có lẽ điều nên làm về phần tôi, là trình bày nguyên nhân về việc lập gia đình và hơn nữa về việc đến Hertfordshire với mong muốn chọn một người vợ như tôi đã định.”
                 
        Ý kiến của anh Collins, được diễn tả với cái vẻ bình thản trang trọng, về việc không làm chủ được tình cảm khiến Elizabeth suýt phì cười, đến nỗi cô không thể lợi dụng khoảng dừng ngắn ngủi này mà anh ta cho phép, để dùng bất cứ nỗ lực nào ngăn anh ta đi xa hơn. Và anh ta tiếp tục:

         “Nguyên nhân việc lập gia đình của tôi là : thứ nhất , tôi nghĩ đó là mỗi mục sư ở hoàn cảnh thuận lợi (như tôi) nêu một tấm gương về quan hệ vợ chồng trong giáo xứ của mình là điều đúng đắn, thứ hai , tôi cho rằng điều đó bổ sung thêm vào niềm hạnh phúc của tôi vô cùng lớn lao, và thứ ba, mà có lẽ tôi nên đề cập đến sớm hơn đó là lời khuyên và sự chỉ bảo đặc biệt của quí phu nhân mà tôi có vinh dự gọi là người bảo trợ. Đã hai lần bà hạ cố cho tôi ý kiến về chủ đề này (mà tôi không hỏi), và cũng chính vào đêm hôm thứ bảy trước khi tôi rời Hunsford, giữa ván bài Quadrille , trong khi  bà Jenkinson đang sắp xếp chiếc ghế kê chân cho cô de Bourgh, thì phu nhân nói Anh Collins, anh phải lấy vợ đi. Một mục sư như anh phải lấy vợ. Hãy chọn lựa cho tử tế, chọn một phụ nữ xứng đáng vì tôi và vì chính bản thân anh, cô ấy phải là người có ích, năng động, không yêu cầu cao nhưng phải biết thu vén kinh tế gia đình. Đây là lời khuyên của tôi. Hãy sớm tìm một người phụ nữ như thế, đưa cô ấy về Hunsford, và tôi sẽ đến thăm cô ấy. Nhân đây, cô em họ xinh đẹp của tôi cho phép tôi nhận xét rằng, tôi không cho rằng sự chú ý và lòng tốt của phu nhân Catherine de Bourgh cũng thuộc về số những lợi thế ít ỏi mà khả năng của tôi đem lại*. Cô sẽ thấy cách cư xử của bà ấy vượt quá những gì tôi có thể mô tả. Sự nhanh trí và hoạt bát của cô, tôi nghĩ, chắc sẽ được bà ấy chấp nhận, đặc biệt là khi chúng dịu bớt, đi kèm với sự im lặng và kính trọng mà địa vị của bà ấy chắc chắn sẽ khơi dậy.  Cũng như ý định chung của tôi về mong muốn lập gia đình , tôi còn muốn nói tại sao tôi lại hướng về Longbourn chứ không phải nơi tôi đang sống, mà tôi đảm bảo với cô rằng cũng có nhiều cô gái đáng yêu ở đó. Sự thật là, như hiện tại, tôi sẽ thừa kế gia sản này sau khi người cha đáng kính của cô chết đi ( tuy nhiên ông ấy còn có thể sống lâu nhiều năm nữa). Tôi không thấy thoải mái nếu không quyết định chọn một trong số các cô con gái của ông làm vợ, sự mất mát đó sẽ là ít nhất có thể đối với họ , khi thảm cảnh này xảy ra, tuy nhiên như tôi đã nói nó không thể xảy ra trong vài năm tới. Điều này đã thúc đẩy tôi, cô em họ xinh đẹp ạ, và tôi hãnh diện là nó đã không nhấn chìm tôi trong sự kính trọng và cảm phục của cô. Và bây giờ tôi chẳng còn gì để nói ngoài việc đảm bảo với cô bằng một ngôn ngữ sinh động nhất của tình cảm mãnh liệt của mình. Đối với tài sản tôi hoàn toàn dửng dưng, và sẽ không yêu cầu gì cha cô cả vì tôi biết rõ rằng điều đó cũng không thể đáp ứng được. Và một nghìn bảng trong số bốn phần trăm mà cô sẽ không được nhận cho đến khi mẹ cô qua đời là tất cả những gì mà cô có quyền được hưởng. Vì thế, tóm lại, tôi sẽ mãi mãi im lặng, và cô có thể đảm bảo với mình rằng cô sẽ không bao giờ nghe thấy một lời trách cứ hẹp hòi nào khi chúng ta cưới nhau.
               
         Bây giờ là lúc tuyệt đối cần thiết để cắt ngang lời anh ta.

         “Ngài đã quá nóng vội, thưa ngài, - cô kêu lên – Ngài quên rằng tôi chưa trả lời. Cho phép tôi làm điều này cho khỏi mất thêm thời gian. Xin hãy nhận lời cám ơn của tôi về sự khen ngợi mà ngài đã dành cho tôi . Tôi rất lấy làm vinh dự về lời cầu hôn của ngài, nhưng tôi không thể làm gì khác hơn là từ chối nó.

         “Tôi đã không biết” – Collins đáp với một cái đưa tay rất trịnh trọng – “rằng như thường lệ các cô gái thường từ chối lời cầu hôn của các chàng trai, tỏ ý che dấu sự chấp thuận khi anh ta bày tỏ lần đầu, và đôi khi sự từ chối lặp lại hai hay ba lần. Vì thế tôi tuyệt nhiên không nản lòng với điều cô vừa nói và hi vọng chẳng bao lâu nữa sẽ dắt cô tới trước bàn thờ.”

        “Tôi không còn biết nói gì hơn nữa thưa ngài,” - Elizabeth kêu lên – “Niềm hi vọng của ngài cực kì là khác lạ sau lời từ chối của tôi. Tôi đảm bảo với ngài rằng tôi không phải là một trong số những cô gái đó (nếu như có những cô gái như thế) , những cô mà dám mạo hiểm đặt hạnh phúc của mình vào một cơ hội rủi ro được cầu hôn lần thứ hai. Tôi hoàn toàn nghiêm túc với lời từ chối của mình. Ngài không thể làm cho tôi hạnh phúc, và tôi tin rằng tôi cũng là người phụ nữ cuối cùng trên thế giới này có thể đem hạnh phúc đến cho ngài . Không được đâu, bạn của ngài, phu nhân Catherine mà hiểu rõ tôi , tôi tin rằng bà ấy chắc sẽ thấy tôi không đủ phẩm chất trong mọi phương diện ở trường hợp này.”

         “ Nếu mà phu nhân Catherine nghĩ như thế ,” - Collins nghiêm trang nói – “ tôi không thể tưởng tượng nổi rằng bà ấy lại không ủng hộ cô. Cô có thể tin chắc rằng khi tôi có vinh dự gặp lại bà ấy , tôi sẽ nói những lời tốt đẹp về tính khiêm nhường, giản dị, và những phẩm chất đáng yêu khác của cô.”

         “ Sự thực là, anh Côllins, những lời ca ngợi tôi là không cần thiết.  Anh phải để tự tôi nhìn nhận mình, và hãy khen tôi vì tin vào điều tôi nói. Tôi chúc anh hạnh phúc và giàu sang, và bằng cách từ chối anh, tôi đã làm hết khả năng của mình để ngăn cho anh khỏi bị thiệt thòi. Trong việc ngỏ lời với tôi, chắc anh phải lấy làm thỏa mãn vì những tình cảm tế nhị của anh đối với gia đình tôi và có thể sở hữu gia sản Longbourn bất cứ khi nào nó sụp mà không phải tự dằn vặt. Vấn đề này coi như đã được xem xét, vì thế mà kết thúc ở đây.” – Cô đứng lên khi đang nói vì định ra khỏi phòng nếu như Collins không nói với cô :

         “ Khi tôi có vinh dự nói chuyện với cô lần tới về chủ đề này, tôi hi vọng sẽ nhận được câu trả lời đáng mong đợi hơn bây giờ. Mặc dù tôi không có ý buộc cô là tàn nhẫn lúc này, bởi vì tôi biết đó là tục lệ hiện hành buộc các cô phải từ chối người đàn ông trong lần cầu hôn đầu tiên, nhưng có lẽ bây giờ cô thậm chí còn nói như để khuyến khích thêm tôi, cho nhất quán với sự tế nhị thực sự của tính cách phụ nữ.”

        “Thực sự là, anh Collins,” - Elizabeth nóng nảy kêu lên – “anh làm tôi lúng túng hết mức. Nếu điều mà tôi nói cho đến nay có thể khiến cho anh nghĩ rằng tôi đã khuyến khích anh thì tôi không biết làm thế nào để diễn tả sự từ chối của tôi theo cái cách mà có thể thuyết phục được cho anh tin là thật.”

        “Cô phải để tôi tự hãnh diện , cô em họ thân yêu ạ, sự từ chối lời cầu hôn của tôi tất nhiên chỉ thuần túy là lời nói mà thôi. Những lí do để tôi tin như thế ngắn gọn là thế này: Điều đó không chứng tỏ rằng tôi không xứng đáng để cô chấp nhận, hay là những gì mà tôi có thể đem lại, chẳng có gì khác hơn là những ước ao cao nhất. Hoàn cảnh sống của tôi, mối quan hệ của tôi với gia đình de Bourgh và quan hệ họ hàng với chính cô là những điều kiện thuận lợi trong sự ưu đãi của tôi. Và chắc cô đã cân nhắc kỹ, rằng mặc dù cô có nhiều vẻ rất hấp dẫn, điều đó tuyệt nhiên không chắc chắn rằng cô sẽ nhận được lời cầu hôn khác. Phần hồi môn của cô không may là nó quá nhỏ đến nỗi nó đã xóa đi hết tác dụng của những phẩm chất đáng yêu và dễ thương của cô về mọi mặt. Vì thế tôi buộc phải kết luận rằng sự từ chối của cô là không thật. Tôi sẽ coi đó là do cô muốn tình yêu của tôi tăng lên, bởi sự hồi hộp chờ đợi, theo như cái cách của các phụ nữ thanh lịch thường làm.”

      “Tôi bảo đảm với ngài rằng tôi không giả vờ làm bất cứ điều gì theo cái kiểu thanh lịch đó, mà nó hàm chứa sự hành hạ một người đàn ông đáng kính. Tôi muốn được khen vì được coi là thành thật. Tôi lại cám ơn ngài và xin cám ơn lần nữa vì đã có vinh hạnh được ngài ngỏ lời, nhưng tôi tuyệt đối không thể chấp nhận nó. Cảm xúc của tôi ngăn cấm việc này trên mọi phương diện. Tôi có thể nói đơn giản hơn không? Xin đừng xem tôi bây giờ như một phụ nữ thanh lịch có ý định làm khổ anh, mà chỉ như là một sinh vật biết suy xét, nói lên sự thật từ trái tim mình.”

       “Cô vẫn quyến rũ như thế!” – anh ta kêu lên với một vẻ nịnh đầm vụng về– “ Khi cả cha và mẹ đáng kính của cô chính thức cho phép thì lời cầu hôn của tôi sẽ không bị từ chối.”
                
        Đối với sự cố tình tự lừa dối dai dẳng như nhế, Elizabeth không đáp lại nữa, ngay lập tức tỏ thái độ im lặng xa cách. Cô quyết định, nếu anh ta còn cứ khăng khăng xem những lời từ chối lặp đi lặp lại của cô như là sự khuyến khích quá mức, thì cô sẽ đi gặp cha cô. Sự phản đối của ông sẽ được nói ra với một thái độ đầy kiên quyết và cách cư xử của ông ít nhất cũng không bị hiểu lầm ra thành tình cảm và sự ve vãn của một phụ nữ thanh lịch.


* ngụ ý là những lợi ích mà sự chú ý và lòng tốt của phu nhân đem lại sẽ lớn hơn rất nhiều so với những ưu thế mà cá nhân anh ta sẵn có đem lại.ND