Wednesday, 6 January 2016

Thư gửi các bạn của ngày xưa



 Tặng các bạn 8e,9e,10n Việt Đức

Ngày ấy đến giờ bốn mươi năm rồi đấy,
Bạn tôi thủa ấy tuổi trăng tròn,
Hà nội khi xưa thanh bình phố vắng
Trường lớp xưa nghèo nhưng chẳng vắng tiếng cười đâu.

Bạn và tôi cùng nhau qua những năm tháng ấy,
Những năm tháng của khó khăn và đói nghèo,
Nhưng tâm hồn vẫn trong veo.
Ngày ra  trường bạn và tôi đã biết thẹn thò,
Nhưng mà vẫn chưa biết hẹn hò.
Chúng mình chia tay nhau lưu luyến ướt hàng mi.

Bạn ơi
Chúng ta từ muôn nẻo đường đời,
Ngày gặp lại
Mắt nhìn nhau rạng ngời,
Tấm lòng đầy vơi,
Nhưng vẫn giữ lời hẹn ước
Tình bạn của mái trường xưa,
Dù dòng đời cho ta
Mỗi người một số phận,
Đắng cay hay ngọt ngào.

Bạn giờ là ai?
Tôi giờ là ai?
Chúng ta chẳng cần biết,
Mà chỉ nhận nhau qua hình bóng của ngày xưa.
Tôi chỉ còn nhớ
Bạn của tôi xinh đẹp,
Bạn của tôi đáng yêu,
Bạn của của tôi hào hiệp,
Bạn của tôi nghịch lắm...nhưng mà ...dễ thương.
Chúng ta cùng yêu Hà nội,
Yêu mái trường, yêu lớp học,
Kính trọng thầy và cô.

Chúng ta gặp lại để rồi bịn rịn chia tay.
Bạn , tôi chốn mây trời
Muôn nơi, khắp nẻo,
Chân bước đi mà lòng chẳng nỡ rời,
Dạ rối bời như chơi vơi.
Hẹn ngày gặp lại chốn đâu nơi?

Thoi đưa năm tháng bốn mươi năm nữa,
Bạn ơi khi ấy chốn đôi nơi
Người đi kẻ ở nẻo đường đời,
Xin bạn hãy giữ tình xưa ấy
Trường ấy bạn tôi , bạn của ngày xưa.

27/8/2014 

Suy tư



Đi hay ở?
Đất lành chim đậu.
Tình xưa nghĩa cũ,
Người có lòng đi có xa lòng vẫn hướng về.
Lòng người hạn hẹp, giữ thù hận, đố kị
Đẩy người đi xa.
Lòng người bao dung rộng mở
Người có đi cũng tìm ngày về.
Con chim chết cũng quay đầu về núi.
Con không chê cha mẹ khó,
Chỉ sợ lòng người
Như con chim sợ cành cong.
Người đi xa có lòng
Sẽ tìm ngày quay về
Cày xới đất gieo hạt mầm mới,
Để đất nơi này lại lành và chim muông về đậu yên bình.




Đi hay ở



Thời gian vừa rồi trên mạng, báo chí lên tiếng tranh luận rất nhiều về việc “đi hay ở” , tức là những người ra nước ngoài học hành rồi nên về nước hay ở lại.
Suy nghĩ của tôi là thế này.

Ở đây câu hỏi thứ nhất sẽ là Tại sao ở nước ta trong thời kì này thanh niên lại ra nước ngoài học nhiều thế và xu hướng phổ biến là muốn ở lại? Và tôi chỉ muốn thu hẹp lại nói về những người có đủ khả năng để xin ở lại làm việc hay nghiên cứu học tập tiếp một cách hợp pháp ở nước ngoài.

Lẽ tự nhiên nhất của bản năng con người, của tự nhiên là đất lành chim đậu.

Do Việt nam đã phần nào hòa nhập với thế giới nên thanh niên Việt nam đã được phép ra nước ngoài nhất là được đến các nước có nền giáo dục đại học tiên tiến để học tập; do môi trường giáo dục trong nước nhất là giáo dục đại học lạc hậu tụt lùi khá xa so với các nước tiên tiến, Việt nam trong một thời gian dài gần như đóng cửa với thế giới bên ngoài nên nhu cầu của thanh niên được đi ra nước ngoài nhất là đến các nước phát triển để học tập, để trải nghiệm, để thử sức là rất lớn và chính đáng. Khi học xong các kiến thức cơ bản họ lại phải ra quyết định một lần nữa cho cuộc đời mình: đi hay ở.

Tư duy của con người trong các mối quan hệ nói chung và trong công việc nói riêng ở Việt nam rất khác so với các nước kia , rất bảo thủ trì trệ và đáng ngại nhất là không vì quyền lợi của nhân dân của đất nước và không tuân thủ luật pháp. Trong các cơ quan nhà nước có xu hướng phổ biến là người tài giỏi về chuyên ngành ít được / không được trọng dụng, mối quan hệ tốt hay người nhà mới đáng kể đến; ý kiến cá nhân không được tôn trọng mà ý chí của lãnh đạo mới là cái quyết định. Trong các cơ sở tư nhân thì có xu hướng phổ biến là người ta phải bỏ ra một chi phí rất cao để bôi trơn và gây dựng các mối quan hệ, chưa kể việc phải hạ phẩm giá để lạy lục luồn cúi xin xỏ các nhân viên cơ quan nhà nước có thẩm quyền lại yếu kém dốt nát hơn mình  mà về lí thì đó là việc tất nhiên họ phải làm cho mình. Tất cả những việc này thật khó khăn với những người ngay thẳng và còn khó khăn hơn với những người ngay thẳng có tài thừa khả năng để sống tốt ở một xã hội khác. Ngoài ra còn có một số ngành nghề nghiên cứu yêu cầu phải có khả năng trang thiết bị vật chất tốt, kinh phí cao, môi trường quan hệ giao lưu quốc tế thường xuyên mới có khả năng giúp cho con người nghiên cứu sáng tạo phát triển...Tôi không muốn nói về điều ai cũng thấy rõ và dễ cám dỗ con người là điều kiện sống  và làm việc nói chung cả vật chất lẫn tinh thần ở các nước phát triển là cao hơn hẳn.

Việc đi hay ở là quyết định của cá nhân dựa trên sự cân nhắc , dựa trên tư chất bẩm sinh của cá nhân đó, dựa trên hoàn cảnh kinh tế của cá nhân  đó  và gia đình của họ, dựa trên mối quan hệ sẵn có của cá nhân họ hay gia đình họ với môi trường công việc trong nước, dựa trên ngành nghề mà họ học, dựa trên mục đích tương lai họ theo đuổi... Ở đây quyết định của họ không có gì là đúng hay sai khi họ không vi phạm luật pháp hay cam kết. Con người không phải là thánh thần và người khác cũng chẳng thể có quyền nhân danh này nọ để yêu cầu họ phải đi hay ở,  hay phê phán họ này nọ.

Là người làm chính sách, nếu lãnh đạo thực sự vì dân vì nước thì ắt sẽ có chính sách thích hợp sử dụng người tài, và người tài sẽ tự khắc quay về dù họ có thể không được hưởng ưu đãi vật chất bằng với mức khi họ ớ nước ngoài. Nhớ lại khi xưa khi Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân giành độc lập năm 1945, theo lời kêu gọi của bác bao nhiêu các nhà khoa học Việt kiều bên Pháp và Nhật đã trở về. Trong thời kì chiến tranh chống Mỹ đất nước nghèo nàn thiếu thốn nhưng vẫn có các  nhà khoa học từ các nước tư bản trở về đó là vì chính sách trọng dụng người tài vẫn còn , còn thực sự chứ không phải trên giấy tờ tuy không được tốt như tuyên truyền.

Là người có tâm huyết với đất nước  thì dù có ra đi lòng họ vẫn hướng về đất nước, nếu đó lại là người có tri thức nữa thì đóng góp lại càng lớn hơn. Họ ở nước ngoài thường có nhiều khả năng trở thành các nhà khoa học lớn, các nhà quản lý lớn tầm cỡ quốc tế,...hơn nếu ở trong nước. Đóng góp của họ giờ mang tính toàn cầu, Vịệt nam cũng được hưởng lợi ích toàn cầu đó. Họ sẽ cập nhật các kiến thức mới nhất, hỗ trợ những nguồn lực , hỗ trợ những mối quan hệ, tư vấn chiến lược, quảng bá văn hoá đất nước Việt nam ... nhất là thời nay thời của thế giới phẳng . Việt nam muốn phát triển phải dựa trên mối quan hệ thân thiện và hiểu biết tin cậy với các nước mà muốn làm tốt được việc này chắc chắn phải dựa  nhiều vào họ.

Báo cáo của Ngân hàng thế giới cho biết kiều hối trong năm 2015 ước tính đã là 12,25 tỉ usd đứng thứ 11 trên thế giới và thứ 3 Đông nam á sau Trung Quốc và Philippin. Theo số liệu của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao, hiện có gần 5 triệu người Việt Nam cư trú tại 103 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Từ năm 1993-2014, Việt Nam nhận tổng cộng 96,66 tỷ USD kiều hối, chiếm 6,8% GDP trong thời kỳ này. Trong khi đó thì GDP Việt nam năm 2014 là khoảng 509 tỉ usd và dân số Việt nam khoảng 91 triệu. Chỉ riêng số liệu này đã cho thấy tiềm lực đóng góp cho đất nước chỉ riêng về mặt tiền của người Việt ở nước ngoài đã có ý nghĩa lớn thế nào.

Nhìn lại lịch sử, Nguyễn Ái Quốc ra đi từ năm 1911, quay về nước năm 1941, tổng cộng là ở nước ngoài 30 năm. Nguyễn Ái quốc ra đi là để tìm hiểu văn minh phương tây, tìm ra cái ưu việt của phương tây để về cứu nước. Bác tìm được rồi mới quay về. Vậy các bạn trẻ cứ đi 30 năm đi, tích lũy kiến thức, rèn luyện bản lĩnh đi rồi quay về đâu có muộn.

Tóm lại  ai có tư chất, bản lĩnh, hoàn cảnh, điều kiện phù hợp với với môi trường cụ thể mình sẽ làm việc trong nước hay nhận thấy bản thân không thích hợp với cuộc sống ở nước ngoài thì chọn về ngay cũng là tốt; hay để chuẩn bị tốt kiến thức , bản lĩnh, mối quan hệ, đợi lúc chín muồi cho sự phát triển của bản thân thì về sẽ giúp được cho đất nước nhiều hơn, đồng thời giúp cho gia đình ổn định bền vững cũng là chính chắn. Còn như về chưa có sự chuẩn bị, chỉ theo cảm tính, chỉ là đóng góp cho đất nước theo cách nói hoa mỹ chung chung mị dân, thì cũng chẳng giúp gì đáng kể cho đất nước mà chỉ là điểm danh cho có mặt , thì nhiều khi để lại nhiều hệ lụy chẳng đáng có.

Câu hỏi tiếp theo vậy ai cũng đi thì lấy ai ớ lại xây dựng đất nước? Đất nước có khó khăn thì mới cần người quay về giúp thay đổi chứ?

Ai có tâm huyết với đất nước thì sớm muộn gì cũng quay về, không về được thì cũng bằng cách này hay khác để giúp đất nước. Và những người này phải được chuẩn bị vững vàng về tri thức, bản lĩnh thì mới có thể giúp thay đổi được đất nước, còn không chỉ làm cừu. Nếu không hãy ở lại. Ở các nước phát triển ít ra họ không phải làm cừu mà làm kiến thợ. Ít nhất thì họ cũng có thể sống ngay thẳng, tự do bày tỏ chính kiến, chỉ cần chăm chỉ là đủ ăn đủ mặc,có tích lũy, con cái có thể học lên cao trong một môi trường giáo dục tốt hơn và gửi kiều hối về giúp người thân qua đó giúp đất nước; ít nhất thì họ cũng không làm gánh nặng về công ăn việc làm hay chiếm chỗ trong bệnh viện hay trường học đã quá tải trong nước.

Hãy nhìn ra xa hơn và thoáng hơn. Hãy nhìn lại các thời kì di dân của Châu âu qua Mỹ, Úc , Niudilan; hay của dân Trung quốc sang Singapore và họ đã xây dựng nên một đất nước mới của họ hoàn toàn văn minh, phát triển. Hãy xem người Isaren họ phải rời bỏ quê hương bao thế kỉ, bao nhiêu thế hệ, rồi họ vẫn quay về xây dựng một nước Isaren mới. Để trở về họ phải nung nấu tích lũy chuẩn bị nguồn lực cho mọi mặt trong bao nhiêu thế hệ; và ai về thì cứ về ai ở thì cứ ở. Rồi những nước như Liên xô hay Nam tư , Tiệp khắc tự tan ra thành các nước nhỏ hơn. Đông Đức và Tây Đức là hai chính thể khác hẳn nhưng rồi vẫn thống nhất ổn thỏa...Rốt cuộc thì đấy cũng không phải là những vấn đề không thể chấp nhận được mà chỉ là yêu cầu khách quan tất yếu của cuộc sống nên đã xảy ra như thế. Không nên cứng nhắc quá trong cách đánh giá. Từng cá nhân con người là luôn không hoàn hào còn các thể chế thì luôn được yêu cầu phải hoàn thiện.

12/2015 NHL

Monday, 4 January 2016

Thời hoa đỏ

Doãn Thanh Tùng

Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao
Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng
Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh
Chẳng cho lòng ta yên.
Anh mải mê về một màu mây xa
Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ
Về cái vẻ thần kì của ngày xưa.
Em hát một câu thơ cũ
Cái say mê của thời thiếu nữ
Mỗi mùa hoa đỏ về
Hoa như mưa rơi rơi
Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi
Như máu ứa một thời trai trẻ
Hoa như mưa rơi rơi
Như tháng ngày xưa ta dại khờ
Ta nhìn vào tận sâu mắt nhau
Mà thấy lòng đau xót.
Trong câu thơ của em
Anh không có mặt
Câu thơ hát về một thời yêu đương tha thiết
Anh đâu buồn mà chỉ tiếc
Em không đi hết những ngày đắm say.
Hoa cứ rơi ồn ào như tuổi trẻ
Không cho ai có thể lạnh tanh
Hoa đặt vào lòng chúng ta một vệt đỏ
Như vết xước của trái tim.
Sau bài hát rồi em lặng im
Cái lặng im rực màu hoa đỏ
Anh biết mình vô nghĩa đi bên em.
Sau bài hát rồi em như thể
Em của thời hoa đỏ ngày xưa
Sau bài hát rồi anh cũng thế
Anh của thời trai trẻ ngày xưa.


Điều gì đã được thầm thì với trái tim anh?



Mặt trời lặn rồi lại mọc trên biển
Hùng vĩ, mênh mang, tràn trề nhựa sống.
Ánh vàng  ấy đã thầm thì gì với trái tim anh?
Để lòng anh tràn đầy hi vọng rồi ước mơ.
Ánh trăng rải khắp mặt hồ
Long lanh, sóng sánh, mơ màng quyến rũ.
Ánh bạc ấy đã thầm thì gì với trái tim anh?
Để lòng anh xao xuyến rồi ước mơ.
Cuốn sách nhỏ trong tay anh
Cũng ánh lên những sắc cầu vồng rực rỡ.
Ánh sáng thông thái ấy đã thì thầm gì với trái tim anh?
Để rồi lòng anh mạnh mẽ như được dẫn đường tới ước mơ.
Ánh lửa le lói trong ngôi nhà nhỏ bên sườn đồi vắng
Ấm áp, lẻ loi, mong chờ, nhẫn nại.
Ánh sáng bình dị ấy đã thầm thì gì với trái tim anh?
Để lòng anh dịu dàng rồi ước mơ.
Và bóng dáng người con gái trong ngôi nhà nhỏ đó
Thấp thoáng khi dưới ánh mặt trời lúc dưới ánh trăng.
Tia sáng mong manh ấy đã thì thầm gì với trái tim anh?
Để rồi lòng anh muốn cùng nàng thực hiện chung ước mơ.




Chuyện là như thế



Có những lúc, có những khoảng thời gian
Ta cảm thấy như dòng đời nghẽn lại.
Bao ưu tư trăn trở trong óc không định hình
Trái tim trĩu nặng
Chỉ lờ mờ cảm nhận một nỗi lo âu không rõ tên.
Bao ý tưởng, bao dòng chảy của câu chữ lặn đâu hết
Dưới bàn phím các con chữ khô khan lay lắt vật vờ.
Tình vẫn còn đó mà như trống vắng,
Nhiệt huyết vẫn còn đây mà như cạn kiệt.
Chỉ khi dòng chảy của suy nghĩ đã khai thông
Và ta đã bắt tay vào thực hiện
Lòng mới nhẹ vơi phần nào.
Dù khó khăn trắc trở
Dù căm giận uất ức
Những phức tạp rối rắm đã trở thành đơn giản rõ ràng ,
Cảm xúc bất chợt lại quay về
Tràn đầy, sâu lắng
Bởi ta tin mình đang trên con đường thực hiện ước mơ cho ngày mai.