20-07-2014
Ngô Vương Anh/Vnn
Ảnh bên:Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
đến Thụy Sỹ dự hội nghị Genève về Đông Dương, tháng 5/1954.
Bài học lớn nhất, bao quát nhất nhìn từ Hiệp định
Geneva sau 60 năm là bài học về tinh thần độc lập tự chủ. Ngoài
ra, phải hiểu cả những toan tính của “đồng chí”, “đồng minh”,
không mơ hồ và ảo tưởng.
Sau hơn hai tháng đàm
phán, từ ngày 8/5/1954, Hiệp định Geneva 1954 về Đông Dương được ký
ngày 20/7/1954. Đánh giá đúng những bài học, kinh nghiệm từ Hội
nghị Geneva và bản Hiệp định này trong bối cảnh hôm nay vẫn có ý
nghĩa sâu sắc.
Thắng lợi chưa trọn vẹn
Hiệp
định Geneva là văn bản pháp lý quốc tế thứ ba của Nhà nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hai văn bản trước là Hiệp định sơ
bộ 6/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946 được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký
với Chính phủ Pháp. Nước Pháp từ vị thế kẻ cai trị thực dân
đã phải công nhận và tôn trọng quyền cao nhất của dân tộc Việt
Nam là độc lập, quyền cao nhất của nhân dân Việt Nam là tự do.
Nước Việt Nam từ chỗ chưa có tên trên bản đồ thế giới đã trở
thành một biểu tượng sáng ngời của ý chí đấu tranh giành độc
lập dân tộc, là tấm gương cổ vũ các dân tộc bị áp bức vùng
lên làm sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân
kiểu cũ.
Vĩ tuyến 17 (Quảng Trị) trở thành giới tuyến tạm thời chia cắt hai miền Bắc - Nam. |
Với
Hiệp định Geneva, chúng ta đã kết thúc được chiến tranh, buộc
Pháp phải rút hết quân và công nhận quyền dân tộc cơ bản của
nhân dân Việt Nam; giải phóng hoàn toàn miền Bắc để có điều
kiện xây dựng những cơ sở vật chất đầu tiên cho xã hội Xã hội
Chủ nghĩa trong điều kiện hòa bình; tạo cơ sở pháp lý để
đấu tranh thống nhất đất nước sau đó.
Bối cảnh khi đó, trên
bàn đàm phán Geneva, Pháp đã thất bại trong trận quyết chiến
chiến lược ở Điện Biên Phủ, muốn rút khỏi “bãi lầy chiến
tranh” Đông Dương trong danh dự, Việt Nam đến Geneva với tư thế
của người chiến thắng trên chiến trường. Việc bàn giải pháp cho
cuộc chiến Đông Dương(…) không do hai bên trực tiếp tham chiến mà
do các “nước lớn” giữ vai trò chính. Pháp là bên tham chiến
trực tiếp nhưng luôn lẩn tránh đàm phán trực tiếp với phái
đoàn Việt Nam mà dùng vai “nước lớn” để thỏa thuận ngầm với
Liên Xô và đặc biệt là với Trung Quốc. Tại Geneva, Trung Quốc
đã tìm mọi cách dàn xếp các vấn đề tại Hội nghị theo hướng
giành lợi ích quốc gia cho Trung Quốc.
Một khó khăn khác
của đoàn Việt Nam là các kênh liên lạc đều nhờ Trung Quốc với
lòng tin vào tình đồng chí. Đoàn đàm phán Việt Nam gặp nhiều
bất lợi, bị cô lập và không có kinh nghiệm đàm phán nên đã
không (thể) bảo vệ được những yêu cầu quan trọng của mình.
Hội
nghị Geneva đã quyết định những vấn đề có liên quan đến các lực lượng
kháng chiến ở Lào và Campuchia mà không có sự tham gia của các chính phủ
kháng chiến ở hai nước này. Đại diện cho cả ba Chính phủ kháng chiến ở
Đông Dương chỉ có một đoàn đại biểu của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng
hoà. Việc xác định ranh giới quân sự tạm thời và phân chia khu vực tập
kết chuyển quân ở Việt Nam không phải vĩ tuyến 13 hay 16 theo phương án
của Việt Nam, mà là vĩ tuyến 17. Việt Nam mất ba tỉnh khu V và nhiều
vùng tự do phía Nam vĩ tuyến 17.
Ở Lào, lực lượng kháng chiến chỉ
được một vùng tập kết gồm hai tỉnh Sầm Nưa và Phôngxalỳ - nhỏ hơn
nhiều so với vùng giải phóng thực tế. Lực lượng kháng chiến
Campuchia phải phục viên tại chỗ. Thời hạn tổng tuyển cử để thống nhất
Việt Nam không phải là 6 tháng như phương án của Việt Nam, mà là 2 năm.
Dù vậy, việc này đã không thể thực hiện do chính sách can thiệp và
xâm lược của Mỹ.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến Thụy Sỹ dự hội nghị Genève về Đông Dương, tháng 5/1954. |
Những
gì Việt Nam đạt được ở Hội nghị Geneva là kết quả của 9 năm
kháng chiến anh dũng, nhiều hy sinh gian khổ của nhân dân ta,
nhưng kết quả đó chưa tương xứng với thực tế trên chiến trường.
Nhân dân cả hai miền Nam - Bắc Việt Nam còn phải đi tiếp chặng
đường dài 21 năm với nhiều sự hy sinh mất mát đau thương hơn để
đạt tới điều lẽ ra đã diễn ra từ tháng 7/1956.
Bài học về tinh thần độc lập tự chủ
Bài
học lớn nhất, bao quát nhất nhìn từ Hiệp định Geneva sau 60
năm là bài học về tinh thần độc lập tự chủ. Bên cạnh đó là
bài học về kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngoại giao với quân sự,
tạo cục diện vừa đánh vừa đàm để đối phó với kẻ địch mạnh
hơn; kiềm chế kẻ thù, tạo dư luận quốc tế, gây áp lực buộc
đối phương xuống thang cả trên chiến trường và trên bàn đàm
phán đã được phát huy trên bàn Hội nghị Paris và chúng ta đã
đạt thắng lợi.
Quá trình đàm phán để đi đến bản Hiệp
định Paris (1/1973) sau này đã nói lên điều đó. Trong những ngày
đàm phán ở Paris, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ đã nói với ông
H. Kissinger (được tác giả Larry Berman trích dẫn): “Trong cuộc đấu cờ,
người thắng và kẻ thua phải chính là những người chơi cờ, không còn
cách nào khác. Chúng tôi độc lập trong việc giải quyết vấn đề của chúng
tôi” (1).
Kinh nghiệm lịch sử cho thấy những “nước lớn” luôn có
những toan tính chiến lược riêng. Trong đấu tranh ngoại giao, điều
cốt yếu là phải phân tích và nhận rõ chiến lược và những
mục tiêu của các nước “lớn” để có chiến lược và sách lược
đối phó hiệu quả. Sự dàn xếp, thoả hiệp giữa các nước “lớn” tại Hội
nghị Geneva làm hại đến lợi ích của Việt Nam, Lào và Campuchia. Đây
cũng là điều khó tránh ở một hội nghị quốc tế, khi “luật chơi” và cả
diễn biến “cuộc chơi” đều do các nước “lớn” quyết định. Ở
Hội nghị Geneva, Việt Nam đã phải thuận theo nhiều lời “chỉ dẫn”
bất lợi từ các “đồng chí”, “đồng minh” của mình. Bài học sâu
sắc qua Hội nghị Geneva là phải hiểu cả những toan tính của
“đồng chí”, “đồng minh”, không mơ hồ và ảo tưởng.
Hội nghị Genève khai mạc ngày 26/4/1954. Mục đích ban đầu của hội nghị là bàn về khôi phục hòa bình tại Triều Tiên và Đông Dương. |
Điều bộc lộ rõ trong quan hệ quốc tế hiện nay là trong nhiều trường
hợp các nước “lớn” áp đặt những “luật chơi” không phù hợp, làm tổn
hại đến lợi ích của nước khác. Nhưng kinh nghiệm lịch sử cũng chỉ ra
rằng, tiếng nói của khu vực và các nước vừa và nhỏ có “sức nặng” đến mức
nào phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó một phần lớn phụ thuộc vào sự chủ
động, sự nhạy bén, khôn khéo của những nước này với các “nước lớn” và cả
giữa các nước “vừa” và “nhỏ” với nhau.
Điều các nước “nhỏ”
luôn cần (phải) làm là tăng cường thực lực của đất nước, tạo cơ sở
vững chắc cho hoạt động đối ngoại, bảo vệ chủ quyền dân tộc, bảo vệ hoà
bình và an ninh quốc tế. Trong hoạt động đối ngoại phải đánh giá chính
xác tình hình thế giới, nhất là chiến lược của các nước “lớn”, tìm ra
đối sách phù hợp trong từng thời gian, cho từng vấn đề, đảm bảo lợi ích
quốc gia dân tộc. Am hiểu đối tác - đồng thời cũng là đối tượng -
là yêu cầu quan trọng trong quá trình hội nhập.
- Ngô Vương Anh
(1): Larry
Berman (2003) - Không hoà bình, chẳng danh dự Nixon, Kissinger, và sự
phản bội ở Việt Nam, (Nguyễn Mạnh Hùng dịch), Việt Tide xuất bản, tr 145
No comments:
Post a Comment